Dành cho người chăm sóc
Sống chung với bệnh
tâm thần phân liệt
Một ngày nọ, bạn chợt nhận ra rằng người thân hoặc bạn bè mình bỗng có những dấu hiệu bất thường. Không, đúng hơn là họ đã có những dấu hiệu này từ rất lâu rồi, nhưng giờ đây bạn mới nhận ra đó là điều bất thường. Chồng bạn mỗi ngày về đều cáu kỉnh việc công ty, nhưng hôm nay anh ấy cam đoan rằng công an cả Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh đều đang theo dõi sát anh ấy và dùng Grab giao đồ ăn trưa để cảnh cáo anh ấy. Con bạn vẫn say mê thần tượng và úp mở viết thư cho bạn trai, nhưng hôm nay nó chỉ lên tivi nơi thần tượng đang diễn và nói rằng anh ấy viết bài này riêng cho con đấy, anh ấy đang Say Hi với con đấy. Bố bạn vẫn là một nhà khoa học uyên bác được trọng vọng trong cộng đồng, nhưng ngày hôm nay ông nói rằng Donald Trump là Jesus sống lại và sắp gửi chuyên cơ mời ông tới Nhà Trắng tham dự kỳ họp tuyệt mật để thiết kế một bộ mã gen mới cho loài người. Trong một ánh chớp, bạn nhận ra điều này đã vượt quá “lạ thường” để tiến vào địa hạt “bất thường”, và trong đầu bạn chợt hiện lên mấy chữ rành mạch “chồng/con/bố mình điên rồi”.
Trong lúc bạn đang chấn động và chới với tìm cách làm quen với thực tại mới, có thể đi tìm xem nên khám bệnh ở đâu hoặc làm thế nào nói chuyện tiếp với người nhà đang ở trong một thế giới khác như vậy, bạn có nghĩ điều gì có thể đang diễn ra trong đầu họ không? Hãy thử nhìn thế giới qua con mắt của họ, biết rằng điều mà giờ đây bạn mới nhận thấy, đã là hiện thực mà họ sống một thời gian rồi.
Những đoạn văn dưới đây là sản phẩm hư cấu hóa từ các tài liệu tham khảo, ghi chép ca của bác sĩ, và thông qua trò chuyện với người có TTPL (đang trong giai đoạn cấp tính hoặc đã thuyên giảm). Để biết trải nghiệm thực tế của những người có TTPL vẫn đang điều trị hoặc đã hết triệu chứng và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình với đại chúng, các bạn có thể tham khảo một số nguồn gợi ý sau đây:
- AnKoi Đập Đá trên Tiktok: https://www.tiktok.com/@anperfexx
- (Tiếng Anh) Overcoming Schizophrenia, blog của một nhà hoạt động về sức khỏe tâm thần, đã bước vào giai đoạn thuyên giảm từ năm 2007.
- (Tiếng Anh): Living Well after Schizophrenia, kênh YouTube của một người đã bước vào giai đoạn thuyên giảm, đang tìm cách rèn luyện tâm lý và thể chất bằng các phương pháp thực dưỡng v.v.
- (Tiếng Anh) Unseen & Unheard, podcast với ba người đã qua giai đoạn thuyên giảm, được Johnson & Johnson thực hiện.
Lưu ý: Một số thông tin và từ ngữ dưới đây có thể gây ra cảm xúc tiêu cực khi đọc. Cần chú ý đang ở tâm trạng bình tĩnh trước khi đọc và không tiếp tục đọc nếu có dấu hiệu phản ứng mạnh.
Tình huống thứ nhất
Một ngày nọ, bạn chợt nhận ra rằng lúc nào bên tai mình cũng có tiếng người nói. Ban đầu chỉ là tiếng rì rầm, nhưng dần dần trở thành những tiếng nói rõ rệt, giống như có người đứng cạnh dù không nhìn thấy ai. Những tiếng nói này thuộc về nhiều “người” khác nhau về độ tuổi, giới tính, tính cách…, nhiều “người” nói chuyện ôn hòa, nhưng phần đông là nói những điều khó nghe, gắt gỏng, chế giễu… và “họ” đang nói về bạn. Họ gắt gỏng, chế giễu, miệt thị bạn. Đôi khi, họ không nói trực tiếp với bạn mà nói chuyện với nhau, nhưng nội dung là về bạn, những thiếu sót, khuyết điểm của bạn, thậm chí bình phẩm ngoại hình của bạn. Bạn đi đâu, làm gì, họ cũng liên tục bình phẩm: “Trông nó cười ngu chưa này,” “Nó lại nói sai rồi, người ta chắc khinh nó lắm mà không nói ra,” “Đã bảo đừng làm việc đó mà cứ làm”, “Hôm nay nó mặc cái váy xấu thế không biết”. Có những lúc ác ý hơn, họ miệt thị bạn, hoặc xúi bẩy bạn làm những điều xấu xa khi bạn bực bội với người đối diện. Đôi khi bạn thấy họ phiền toái hơn là đáng sợ, nhưng sự phiền toái ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn khi những giọng nói bắt đầu lên tiếng chê bai từ khi bạn mở mắt dậy cho đến hết ngày khi bạn đi ngủ. Có những giọng nói nghe giống hệt ông sếp khó tính hay tên người yêu cũ đáng ghét của bạn, làm bạn nghĩ chắc hẳn ông ta có tham gia vào mưu đồ quấy nhiễu cuộc đời bạn đây. Bực nhất là bạn không có cách nào tắt được những tiếng nói ấy đi, và khi bạn nói với mọi người xung quanh để đuổi họ đi giùm bạn, thì không ai nghe thấy tiếng gì. Làm thế nào bạn liên lạc được với những giọng nói ấy để chúng dừng lại? Bạn phải nói chuyện với ai để chấm dứt việc này đây? Bạn đã làm gì mà phải chịu cảnh này?
Đây là hiện tượng ảo giác, cụ thể là ảo thanh. Ảo giác là một trong hai biểu hiện chính của loạn thần (cùng với hoang tưởng), và ảo thanh là hình thức phổ biến nhất của ảo giác. (Không phải người có TTPL nào cũng đi kèm với ảo giác hoặc ảo thanh. Triệu chứng ở mỗi người có thể khác nhau và tùy vào tiến triển của bệnh cùng nhiều yếu tố khác.)
(Mô tả này dựa vào video minh họa cho giáo trình Sims’ Symptoms in the Mind của Femi Oyebode, Elsevier, 2022.)
Có thể nghe một đoạn minh họa về ảo thanh dưới đây:
(LƯU Ý: NÊN ĐẢM BẢO CÓ NGƯỜI BÊN CẠNH VÀ ĐANG Ở TÂM TRẠNG BÌNH TĨNH, ỔN ĐỊNH, KHÔNG DÙNG THUỐC KÍCH THÍCH TRƯỚC KHI NGHE.
NGƯỜI TỪNG TRẢI QUA LOẠN THẦN VÀ TÂM THẦN PHÂN LIỆT KHÔNG NÊN NGHE VIDEO NÀY.)
(LƯU Ý LẦN 2: NÊN CHUẨN BỊ TINH THẦN TRƯỚC KHI NGHE.)
Một hiện tượng có liên quan là ảo thị. Dưới đây là video do một người đang sống chung với TTPL biên tập để truyền đạt chân thực tri giác của anh trong đời sống hàng ngày.
(LƯU Ý: NGƯỜI TỪNG TRẢI QUA LOẠN THẦN VÀ TÂM THẦN PHÂN LIỆT, NGƯỜI DỄ HOẢNG SỢ, NGƯỜI BỊ ĐỘNG KINH KHÔNG NÊN XEM VIDEO NÀY.)
Tình huống thứ 2
Một ngày nọ, bạn chợt nhận ra mình đang là nạn nhân của một âm mưu thâm độc. Tất cả những người xung quanh bạn, cả người sếp bạn tín nhiệm nhiều năm nay, cả cậu bé mới vào công ty vô cùng ngưỡng mộ bạn, cả ông bảo vệ già sáng nào cũng uống chè với bạn, cả anh Grab giao đồ ăn trưa (hình như lần nào cũng là một người đó nhưng đi các xe khác nhau?) dường như đều đang liên kết với nhau để chống lại bạn. Khi ông sếp vỗ vai bạn và bảo đừng buồn vì không chốt được dự án này, có phải ông ta đang cười khẩy trong lòng không? Khi cậu bé đi qua ông bảo vệ, có phải họ liếc nhau trong một cái nhìn ẩn ý không? Khi có người Grab dừng trước cửa công ty bạn và nói vào điện thoại “ở trước cửa công ty rồi đây”, có phải anh ta đang báo cáo hành tung của bạn cho tổng hành dinh không? Khi website của công ty đăng mẩu tin “dù năm nay trải nhiều sóng gió nhưng chúng ta đã vượt qua tiến vào kỷ nguyên mới”, có phải ý họ nhằm nói về bạn không? Bạn tên là Phong, “gió” không phải chỉ bạn thì là ai vào đây? À! Đã hiểu hết rồi! Thảo nào mấy năm nay bạn làm ăn lận đận, mãi không lên chức, cố gắng thế nào cũng bại nhiều hơn thắng.
Nhưng vì sao họ phải làm thế? Bạn cố gắng hết mình vì công ty cơ mà? Họ muốn gì ở bạn? Sao họ không chơi bài ngửa với bạn? Bạn sẵn sàng hợp tác và thay đổi cơ mà? Bạn đi gặp tất cả mọi người và bảo anh nghĩ anh còn phải phấn đấu nhiều, có gì sai chú góp ý cho anh. Nhưng tất cả họ đều an ủi bạn, bảo bạn không phải lo lắng, không ai nghĩ gì bạn đâu. Sao họ không nói thẳng với bạn mà cứ bắt bạn phải đoán ý họ như thế??? Bạn phát điên lên mất! Làm thế nào bạn mặc cả với họ bây giờ, nếu họ không chịu mặc cả với bạn???
Sau nhiều đắn đo vì không muốn phiền lụy đến vợ con, bạn cũng quyết định kể cho họ. Nhưng vợ con bạn chỉ an ủi “không sao đâu, không có chuyện gì đâu, anh nghĩ ngợi nhiều quá thôi.” Không ai tin bạn cả, dù bạn đã trình bày rõ ràng bao nhiêu lần họ có những dấu hiệu đặc biệt với bạn ở công ty, nhưng bạn không thể đoán được là dấu hiệu gì. Làm sao bạn khiến cho họ tin bạn bây giờ? Không có cách nào cả. Bạn phải tự giải quyết vấn đề này thôi. Bạn thức đêm để theo dõi Instagram của mọi người ở công ty. Rất nhiều dấu hiệu nhưng bạn không hiểu được. Vợ bạn nói trông bạn có vẻ mệt mỏi, có lẽ nên nghỉ ngơi một thời gian. À! Vợ bạn không tin bạn. Vợ bạn muốn tách bạn ra khỏi công ty. Hay cô ấy cũng là một phần của “chúng”? Con gái bạn tối nào cũng dán mắt vào tivi, nghe như nuốt từng lời, môi lại còn mấp máy. Có phải nó đang nghe chỉ thị rồi báo cáo với mấy thằng trên ti vi không? Trời ơi! Chuyện này diễn ra từ bao giờ? Tại sao đến người thân nhất cũng muốn ám hại tôi như vậy? Tôi đã làm gì sai???
Đây là một dạng của hoang tưởng bị hại, là dạng phổ biến nhất trong các loại hoang tưởng. Trong câu chuyện hư cấu trên đây, chúng ta thấy cả dấu hiệu của ý tưởng liên hệ, khi người trong giai đoạn cấp tính nghe nói gì cũng nghĩ là nói đến mình. Hoang tưởng có thể là một rối loạn riêng không liên quan đến các triệu chứng khác, hoặc có thể là một phần của tâm thần phân liệt.
Tình huống thứ 3
Anh ấy yêu bạn say đắm, nhưng điều này không ai được phép biết. Thứ nhất, vì bạn mới là một cô bé học sinh cấp 3, thứ hai, vì anh ấy là ngôi sao ca nhạc nổi tiếng sắp bước lên tầm quốc tế. Mối tình bí mật này phải được che giấu kỹ, đến mức bạn chưa gặp anh ấy bao giờ. Nhưng bạn không buồn bã, vì chiều nào trên tivi, anh ấy cũng hát những lời thương nhớ dành cho bạn. Hôm nay, anh ấy còn động viên bạn: “Và anh sẽ là người đem về lại những giấc mơ”.
Bạn biết, đối với anh ấy, làm vậy cũng không dễ dàng. Hôm qua bạn gặp anh ấy ở buổi tiếp fan, anh ấy phải giả vờ không nhận ra bạn. Buổi tối, lúc bạn tìm cách xông vào sau cánh gà, bảo vệ của anh ấy tóm được bạn đẩy bạn ra ngoài. Bạn biết, phải giả vờ như vậy, chắc anh ấy buồn khổ lắm. Không sao, em thấm thía được hết những hy sinh mà anh phải làm để bảo vệ tình yêu của chúng ta. Em hiểu anh. Em yêu anh. Em chờ anh.
Đây là ví dụ cho kiểu hoang tưởng được yêu, cũng là một kiểu hoang tưởng khá phổ biến khác. Kiểu hoang tưởng này ít được để ý trên truyền thông vì có vẻ không gây ra nhiều đau khổ trực tiếp cho người bệnh, nhưng sẽ là nguồn gây phiền toái cho đối tượng bị họ chọn để gắn bó tình yêu. Đôi khi, một người hoang tưởng được yêu có thể thay đổi liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác, hoặc có nhiều đối tượng cùng một lúc.
Tình huống thứ 4
Cuối cùng, những thành tựu của bạn trong bao nhiêu năm qua cũng được để mắt tới. Bạn đã sẵn sàng xếp vali để bay tới Nhà Trắng dự lễ nhậm chức lần thứ hai của tổng thống Donald Trump vào ngày 20/1/2025, cùng ông công bố loài người bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của giống siêu-người.
Nhưng con gái và con rể bạn không cho bạn đi. Tệ hơn, con rể bạn cho rằng đây là một phần trong âm mưu phá hoại công việc ở công ty của nó. Chúng nó khóa cửa nhốt bạn trong phòng, tịch thu giấy tờ tùy thân của bạn. Con rể bạn đứng ngoài cửa la hét mắng nhiếc, con gái bạn khóc lóc. Cháu gái bạn bật nhạc Anh Trai Say Hi oang oang trên ti vi. Nòi giống loài người này thật hết thuốc chữa rồi. Loài người cần tiến vào một kỷ nguyên mới. Nhưng bạn thì đang bị nhốt ở đây, và chỉ còn 4 tiếng 19 phút nữa, lễ nhậm chức sẽ bắt đầu. Không có bạn, cơ hội sẽ bị lỡ mất, và loài người sẽ không bao giờ được cứu vớt. Đây có phải là nỗ lực cuối cùng của Satan-Joe Biden nhằm cản bước nhân loại không? Thằng con rể bạn, có phải chính là tay sai của Biden không?
Đây là một ví dụ cho kiểu hoang tưởng cứu thế. Trong câu chuyện hư cấu trên đây, hoang tưởng còn đi kèm những nét kỳ quái (cho là Jesus sống lại, hoặc cho Joe Biden là Satan v.v.).
Tình huống thứ 5
Bạn đã trải qua quá trình điều trị và đã không phải vào viện từ nhiều năm nay. Bạn đã trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường, trở thành thành viên có ích trong xã hội, thành đạt trong công việc, thành công trong cuộc sống.
Nhưng biệt danh “X điên” vẫn gắn lấy bạn, và thỉnh thoảng các “sự tích” trong thời gian phát bệnh vẫn được đưa ra kể trước mặt bạn như một chuyện đùa vui. Mỗi khi bạn có vấn đề trong công việc và cuộc sống, hoặc buồn bã ủ dột, hoặc tức giận nổi nóng, dường như những người xung quanh lại hoảng sợ, tránh né bạn, hoặc cố sức làm dịu tình hình nhiều hơn mức cần thiết. Dường như họ vẫn lo sợ rằng bạn sẽ lại “phát điên”.
Tự bạn cũng e sợ rằng mình có nguy cơ quay trở lại thời kỳ cấp tính, trở thành gánh nặng cho gia đình, và có thể lần này sẽ không hồi phục được. Bạn sống trong lo lắng căng thẳng hoặc rơi vào trầm cảm. Hoặc bạn từ chối nghĩ rằng mình còn “có vấn đề”, tránh đối mặt với những dấu hiệu phát bệnh trở lại, từ đó không nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
Nếu những câu chuyện trên đây làm cho bạn bật cười, xin hãy hiểu rằng chúng không hề đáng cười đối với những người đang sống hàng ngày, hàng giờ trong thế giới ấy. Họ có thể bị quấy quả hoặc tra tấn liên tục bởi những kích thích thị giác và thính giác khó chịu. Họ có thể mang những niềm tin làm cho họ đau khổ.
Ngoài những ví dụ điển hình trên đây, một số phổ biến khác là: cảm thấy bị gắn chip vào đầu, cảm thấy cuộc đời mình bị người khác (có thể là người ngoài hành tinh) điều khiển từ xa, cảm thấy suy nghĩ và hành động của mình do bên ngoài cấy ghép, cảm thấy mình đang sống trong thế giới ảo, là nhân vật trong phim, trong tiểu thuyết hoặc game… Đặc điểm chung của những tình huống này là họ rất hoảng sợ và bất lực, cảm thấy mình không có khả năng kiểm soát cuộc sống của mình, kể cả bằng những cách cơ bản của con người là giao tiếp và “mặc cả”.
Quan trọng hơn hết, họ cảm thấy cực kỳ cô đơn. Không ai thấy những điều mà họ thấy, không ai nhận ra những sự thật mà họ nhận ra, không ai chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ, không ai trân quý giá trị của họ, không ai tin họ và giúp đỡ họ. Và họ không biết làm cách nào để được nghe thấy, được tin, được giúp đỡ. Với những người mắc hoang tưởng bị hại thể kỳ lạ, họ còn có thể nghĩ người thân của mình bị đội lốt, bị giả dạng, và chính những người thân thiết lại muốn dồn họ vào chỗ chết. Không những không ai tin họ, mà họ cũng không biết tin ai. Và nếu họ đang trong giai đoạn tiền triệu, có thể họ cũng không tin được vào chính mình, vào bộ não của mình. Họ chỉ có một mình, trong một thế giới kinh hãi.
Hiểu được điều đó, có thể là bước đầu của sự giúp đỡ.
Bài viết trên đây tổng hợp từ nhiều tài liệu cùng các chia sẻ trực tiếp của người có TTPL và người nhà. Nếu anh/chị là một người có TTPL hoặc người nhà và cảm thấy các thông tin này chưa đầy đủ hoặc cần điều chỉnh, chúng tôi rất mong được nghe ý kiến của các anh/chị. Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.