Rủi ro mắc bệnh
của người chăm sóc

RỦI RO MẮC BỆNH VÀ NGUY CƠ TRẦM CẢM CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC

Nguy cơ di truyền

Như đã nhắc đến trong phần nguyên nhân thì tâm thần phân liệt hoàn toàn có mang yếu tố di truyền. Rủi ro cao nhất rơi vào các cặp sinh đôi cùng trứng, đế đến là các cặp sinh đôi khác trứng. Con đẻ của những người mắc tâm thần phân liệt cũng có nguy cơ mắc bệnh rơi vào khoảng tỷ lệ 13%, anh chị em ruột là 9%   (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022; Phạm Toàn, 2023)

Những nhận định về yếu tố di truyền còn khá phức tạp và còn tuỳ thuộc vào tính cách, ý chí và môi trường sống khác nhau của từng người (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022).

Tuy nhiên, đối với người trực tiếp chăm sóc thì vì có môi trường khá nhạy cảm nên dễ kích hoạt mô hình stress- dễ tổn thương có sẵn trong họ, do đó rủi ro của họ sẽ cao hơn so với những người không trực tiếp chăm sóc

Nguy cơ bị trầm cảm

Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và các triệu chứng trầm cảm trong các mẫu người chăm sóc dao động từ 12 đến 40% trong các nghiên cứu. Phụ nữ, đặc biệt là những bà mẹ của những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn, tiếp theo là những người chăm sóc trẻ tuổi. Một số yếu tố, bao gồm giới tính, các mối quan hệ giữa các cá nhân, hỗ trợ xã hội, kỳ thị, trình độ học vấn và hạn chế tài chính, được xác định là các yếu tố liên quan đến bệnh trầm cảm ở người chăm sóc (Prasad et al., 2024)

Khi được hỏi về cảm xúc thì hầu hết những người chăm sóc đều nói rằng họ cảm thấy rất tệ hại, họ không có một cuộc sống thực sự cho bản thân mình, hoặc họ ngập chìm trong lo lắng rằng nếu bản thân xảy ra vấn đề gì thì sẽ không có ai chăm sóc người thân mắc bệnh của họ, sợ người bệnh sẽ lên cơn và sẽ tự sát hoặc giết hại cả gia đình… Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực luôn bủa vây lấy họ mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra họ còn đối mặt với tình trạng mất ngủ do lo lắng, bất an hoặc do phải chăm sóc người bệnh, hoặc bị người bệnh quấy nhiễu…Những điều này chính là các tác nhân làm tăng nguy cơ mắc phải trầm cảm và dễ kích hoạt tính dễ tổn thương trong họ (Bademli & Lök, 2020).

Những người chăm sóc tham gia nghiên cứu đã định nghĩa từ ‘trở thành người chăm sóc’ là một tình huống không thể mô tả, họ quên bản thân, mất ngủ, suy sụp, bị bạo lực bất cứ lúc nào, ý tưởng về việc bản thân cũng có thể bị tâm thần phân liệt, không chắc chắn, kiên nhẫn, mất cân bằng, tuyệt vọng và chán nản về tinh thần. Khi phải đối mặt với khó khăn như trên nhưng người chăm sóc đa phần đều ít nhận được sự cảm thông và chia sẻ chân thành từ những người thân khác, bạn bè, xã hội, do đó họ cũng có xu hướng né tránh, hạn chế giao tiếp xã hội. Đây cũng là một yếu tố tiêu cực tác động đến nguy cơ trầm cảm của họ (Bademli & Lök, 2020).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bademli, K., & Lök, N. (2020). Feelings, thoughts and experiences of caregivers of patients with schizophrenia. International Journal of Social Psychiatry, 66(5), 452–459. https://doi.org/10.1177/0020764020916211

PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Đ., Thu Hà, H., & Bahr Weiss. (2022). Tâm bệnh học. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Phạm Toàn. (2023). Tâm bệnh học (5th ed.). NXB Trẻ. https://dtv-ebook.com.vn/tam-benh-hoc_18789.html#gsc.tab=0

Prasad, F., Hahn, M. K., Chintoh, A. F., Remington, G., Foussias, G., Rotenberg, M., & Agarwal, S. M. (2024). Depression in caregivers of patients with schizophrenia: A scoping review. Social Psychiatry and Psychiatric Epidemiology, 59(1), 1–23. https://doi.org/10.1007/s00127-023-02504-1