Dấu hiệu nhận biết sớm
và các pha tâm thần phân liệt

Pha tiền triệu và dấu hiệu nhận biết sớm

Thể hiện ra các triệu chứng bất thường trong hành vi, lời nói, biểu hiện nhưng chưa đủ để xác định loạn thần.

Triệu chứng thường xuyên nhưng không phải là lúc nào cũng sẽ có hành xử như vậy, có sự phát triển tăng dần của các biểu hiện như: có lúc thu mình, buồn bã, có lúc nổi giận vô cớ, cọc cằn, thiếu vệ sinh cá nhân. Người bệnh đôi khi có những ý tưởng lạ lùng hoặc làm những việc không phù hợp với tình hình. (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)

Pha tiền triệu thường khó phát hiện, nhất là đối với những người giỏi che dấu cảm xúc, suy nghĩ, hành vi. Đặc biệt là những người được giáo dục, uốn nắn theo chuẩn mực xã hội (Phạm Toàn, 2023).

Pha toàn phát

Đây là giai đoạn rối loạn nặng nhất, các triệu chứng dương tính như hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực, hoặc âm tính và rối loạn nhận thức bộc lộ đầy đủ và rõ ràng. Tư duy bị rối loạn nặng nề, dẫn đến những lời nói rời rạc, biểu cảm không ăn nhập. Các mối quan hệ xã hội bị xấu đi hoặc mất khả năng giao tiếp xã hội. Cảm giác cùn mòn hoặc không phù hợp xuất hiện nhiều hơn.

Bệnh dễ rơi vào pha toàn phát khi người bệnh phải đối mặt với tình huống đau khổ, căng thẳng, áp lực nào đó. Đây chính là môi trường lý tưởng để kích hoạt yếu tố di truyền có sẵn trong người bệnh (Phạm Toàn, 2023).

Pha di chứng

Đây là giai đoạn sau khi được điều trị, bệnh nhân quay trở lại với cuộc sống bình thường. Các triệu chứng không còn ở mức độ rõ rệt những vẫn duy trì ở mức độ thấp hơn chứ không thể biến mất hoàn toàn, có thể nói bệnh nhân quay trở lại như giai đoạn tiền triệu.

Theo thống kê chỉ có khoảng 25% số bệnh nhân được hồi phục hoàn toàn, còn lại đa số vẫn sống chung với pha di chứng.

Hầu hết bệnh nhân đều phải đối mặt với việc tái phát pha toàn phát. Việc bị tái đi tái lại là vấn đề thường thấy ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt, nhất là những người không được chăm sóc tốt, sống trong hoàn cảnh thiếu lành mạnh về mặt tinh thần (Phạm Toàn, 2023).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Đ., Thu Hà, H., & Bahr Weiss. (2022). Tâm bệnh học. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

TS. Phạm Toàn. (2021). Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5. NXB Trẻ. https://www.nxbtre.com.vn/sach/huong-dan-chan-doan-tam-ly-tam-than-theo-dsm-5-145993.html