Những điều nên và không nên
khi chăm sóc người có TTPL

Bài viết này sử dụng bệnh tâm thần phân liệt như đại diện cho toàn bộ nhóm bệnh loạn thần và tâm thần phân liệt, và tùy chẩn đoán của người thân anh/chị mà có thể có một vài điều thích hợp còn một vài điều không. Tuy nhiên, các nguyên lý thì đều tương tự nhau. Xin anh/chị hãy đọc kỹ và áp dụng thích hợp tùy theo tình hình của gia đình.

Không có người có TTPL nào giống người có TTPL nào, do đó cách chăm sóc phải dựa vào từng người cụ thể: biểu hiện bệnh, mức độ bệnh, tính cách và thái độ thông thường của từng người, và người đó có ý thức được mình bị bệnh hay không.

Tuy nhiên, điểm chung của mỗi người có TTPL là: đằng sau hoặc bên trong các triệu chứng của họ, họ vẫn là con người ngày thường của họ, là người thân, bạn bè của anh/chị, vẫn nguyên vẹn những hy vọng, ước mơ, đau khổ, sợ hãi, gần gũi, yêu thương hàng ngày. Người gặp các rối loạn trong phổ loạn thần-TTPL là người bình thường đang mắc một chứng bệnh, có thể cấp tính hoặc mãn tính, giống như người mắc ung thư, động kinh, Alzheimer… Họ không “biến thành” một con người khác, do vậy cần chăm sóc họ và hỗ trợ họ chăm sóc bản thân theo cách tốt nhất, phù hợp với con người bình thường của họ.

Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, đó là mẹ có mắng chửi ai đi nữa thì vẫn luôn cực kỳ yêu thương tôi, mẹ luôn tìm mọi cách để che chở và bảo vệ tôi, mỗi lần tôi đi chơi về mẹ đều kiểm tra xem tay chân có trầy trụa gì không rồi ôm tôi vào lòng mà vuốt ve, cưng nựng.

(Chuyện kể của chị H. T. N)

Dưới đây, chúng tôi trình bày một số gợi ý trong việc giao tiếp và đối xử với người có TTPL trong hai trường hợp:

  • người đang trong giai đoạn cấp tính, ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng sống,
  • người đã giảm các triệu chứng và có thể tự chăm sóc bản thân hoặc đang sinh hoạt bình thường.
  • ngoài ra, có một số lời khuyên chung dành cho mọi trường hợp và mọi người.

Người bệnh TTPL trong giai đoạn cấp tính:

  • Nếu người bệnh đang ở trong trạng thái kích động, lo âu, hoặc hung hăng: KHÔNG NÊN có những lời nói, biểu hiện, hành động gia tăng căng thẳng cho họ (mắng nhiếc, sợ hãi, ép buộc, sốt ruột, đặc biệt là ép buộc đi bệnh viện). Nếu bị đẩy đến sợ hãi cực điểm, người bệnh có thể phản ứng lại mất kiểm soát, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
  • NÊN để cho họ có thời gian và không gian bình tâm lại. Sử dụng lời nói nhẹ nhàng, nét mặt ôn hòa, bình tĩnh. Đứng xa để không tỏ ra đe dọa họ. Dùng những câu có tính trấn an như “em/bạn bình tĩnh lại, không sao đâu…”
  • Nếu người bệnh có biểu hiện chủ yếu là hoang tưởng với những suy nghĩ ám ảnh, lặp đi lặp lại, đặc biệt là các suy nghĩ về chuyện bị hại: KHÔNG NÊN tranh cãi với họ và chứng minh cho họ thấy mình “sai rồi”, hoặc phủ nhận niềm tin của họ như “có cái gì đâu mà mày cứ ầm lên”. Đặc điểm chính của hoang tưởng là tư duy cứng nhắc, khuôn mẫu, lặp đi lặp lại, và đặc biệt không thể thay đổi khi đối diện với các bằng chứng phủ nhận ý nghĩ của mình. Tìm cách tranh luận với họ sẽ chỉ khiến họ cảm thấy mình không tin họ và từ đó không nói chuyện với mình nữa. Tranh luận hoặc các biện pháp điều trị tâm lý chỉ có thể chờ đợi tới lúc họ đã tự mình dịu lại, hoặc nhờ tác dụng điều trị của thuốc.
  • Tuy nhiên, cũng KHÔNG NÊN đồng tình với họ để “tranh thủ tình cảm” và sự tin cậy của họ. Làm như vậy có thể khiến ý nghĩ hoang tưởng được củng cố.
  • NÊN lắng nghe họ và thừa nhận cảm xúc của họ: khó khăn, sợ hãi, đau khổ, ghen tuông, tự cao… Tập lắng nghe chủ động và quan sát ngôn ngữ cơ thể để hiểu thêm những điều họ không bộc lộ được bằng lời nói. Bày tỏ rõ ràng sự thông cảm và sẵn lòng tìm hiểu nhu cầu, quan điểm của họ, cho dù có thể mình không đồng ý với nhận định ấy.
  • Người đang trong giai đoạn cấp tính có thể gặp phải những khó khăn về giao tiếp: không hiểu ẩn ý, không hiểu ẩn dụ, không hiểu nói đùa, không đọc được các cảm xúc, nhịp điệu, giọng điệu của người đối thoại, không kiểm soát được cách sử dụng ngôn ngữ của mình… KHÔNG NÊN nói chuyện khó hiểu, đùa cợt, dùng câu đa nghĩa, cho dù đó là cách giao tiếp bình thường của bạn với họ trong cuộc sống thường ngày, và dù bạn muốn tỏ ra “mọi thứ đều bình thường”.
  • NÊN dùng những câu đơn giản, rõ ràng, rành mạch. Nếu “lỡ miệng” nói câu nào khiến họ thắc mắc là có ẩn ý và hỏi lại, hãy trả lời một cách trong sáng, dễ dàng và thẳng thắn. KHÔNG NÊN tránh né, loanh quanh, bảo là “có gì đâu”.
  • Nếu người bệnh hỏi tới, đó là vì họ không hiểu và muốn biết thật, chứ không phải vì họ muốn nhạo báng hay gây hấn với bạn. NÊN kiên nhẫn trả lời, và dành thời gian cho họ ngẫm nghĩ câu trả lời của mình.
  • Lưu ý, điều này không chỉ đúng với giao tiếp trực tiếp giữa bạn và người bệnh, mà còn cả các đối thoại mà người bệnh có thể “nghe lỏm” được khi bạn nói chuyện với các thành viên khác trong gia đình, hoặc trên ti vi, đài, hoặc người ngoài đường nói với nhau. NÊN “tự kiểm duyệt” câu chuyện giữa mình và người thân khác trong gia đình, nói chuyện một cách trung tính, đơn giản.
  • Ngoài chuyện đi tìm ẩn ý trong câu nói, người bệnh hoang tưởng thường có các ý tưởng liên hệ, cho rằng bất cứ lời nói nào cũng là đang nói đến mình. Nếu có điều kiện, NÊN hạn chế để người bệnh tiếp xúc với các nguồn có tiếng nói hoặc chữ viết như báo đài, ti vi, người ngoài… cho tới khi giai đoạn cấp tính qua đi.
  • Người bệnh có nhiều triệu chứng âm tính như buồn bã, kém giao tiếp, ít động lực, kém ý chí…: ngoài việc điều trị thuốc hoặc tâm lý nếu phù hợp, NÊN dùng các biện pháp khen thưởng để kích hoạt hành vi cho họ như: khuyến khích, khen ngợi họ khi làm được bất kỳ việc gì dù nhỏ nhất (như đánh răng, tự lấy bát ăn, tự làm vệ sinh cá nhân…). NÊN dùng lời nói nhẹ nhàng, dễ chịu, không quá phấn khích.
  • KHÔNG NÊN dùng các biện pháp tiêu cực như đánh đập, mắng mỏ, dọa dẫm, bày tỏ sự thất vọng và khiến họ hổ thẹn… để buộc họ làm một việc gì đó. Vì người bệnh nhiều triệu chứng âm tính không có động lực và ý chí làm việc như người bình thường nên những cách này không thể khiến họ hành động, trái lại chỉ làm họ thêm sợ hãi, hoang mang, tránh né xã hội, rúc sâu vào bản thân.

Người có TTPL đã thuyên giảm và đang sinh hoạt bình thường

  • Nếu họ vẫn đang tiếp tục điều trị duy trì, NÊN theo dõi và giúp đỡ họ đảm bảo liệu trình dùng thuốc bằng cách khuyến khích, ủng hộ, và giải thích cho họ vì sao phải thực hiện đúng liệu trình.
  • KHÔNG NÊN ép buộc, dọa dẫm người có TTPL theo điều trị bằng cách canh chừng, theo rình, hoặc nói những câu như “mày uống thuốc chưa đấy”, “tháng này lại trốn tiêm rồi hả”, “không chịu chữa chạy thì làm sao mà khỏi được”, “cả nhà đã khổ vì con lắm rồi con ơi”…
  • NÊN tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn, bao dung, che chở cho người có TTPL. Kiên nhẫn lắng nghe và chia sẻ nếu họ muốn suy nghĩ về những chuyện đã qua. Hỗ trợ họ tái hòa nhập xã hội và trở lại với các hoạt động bình thường theo tốc độ và khả năng riêng của họ. Khuyến khích họ tiếp tục bồi dưỡng, phát triển bản thân, lấy lại lòng tự tin và tự trọng như một người bình thường (có thể kèm theo khuyết tật/suy giảm chức năng mãn tính hoặc không) và sống cuộc sống tốt nhất có thể.
  • KHÔNG NÊN vội vàng, hấp tấp ép họ trở lại làm việc hoặc thực hiện các nghĩa vụ gia đình, trở lại mức căng thẳng đã có. Không nhắc nhở lại các chuyện đã qua một cách mỉa mai, hoặc trêu ghẹo (dù là thiện ý). Không trách mắng và dằn vặt họ vì căn bệnh của họ, hoặc vì tình trạng hiện tại của họ; không nói những câu như “mày là nỗi sỉ nhục của gia đình”, “mày không nghĩ tới bố mẹ/anh không lo cho vợ con em”, “sao mày lười thế không chịu làm ăn gì”. Nghiên cứu cho thấy những người có TTPL đã chữa khỏi triệu chứng, trở lại sống trong gia đình, nếu bầu khí gia đình nặng nề, xung khắc, bất ổn thì rất dễ có nguy cơ tái phát.
  • Nếu người có TTPL có ý thức về tiền sử bệnh của mình, và đủ khả năng quyết định về các vấn đề của bản thân: NÊN cùng họ lập một kế hoạch dự phòng trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt là khi các dấu hiệu xuất hiện cho thấy nguy cơ tái phát. Có thể là danh sách các bác sĩ, bệnh viện, có thể là những người họ tin tưởng được có thể nhờ cậy sự giúp đỡ, có thể là một số “từ khóa” hoặc phát biểu sẽ giúp họ giảm bớt lo sợ và hoang mang, có thể là các phương pháp chữa trị đã cho thấy hiệu quả… Như vậy sẽ bớt bị động trong các tình huống khẩn cấp, và giải quyết vấn đề phù hợp với người bệnh hơn.
  • KHÔNG NÊN tước quyền quyết định của người có TTPL với việc điều trị và chăm sóc sức khỏe của bản thân, cưỡng ép làm theo ý mình vì “như thế mới tốt”. Trong điều kiện người có TTPL đủ tỉnh táo và hiểu biết, sự hợp tác và tự quyết của người đó về quá trình chữa bệnh của mình là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của việc điều trị.

Các lời khuyên chung

  • KHÔNG NÊN tước quyền tự quyết của họ, coi họ như trẻ con, nói chuyện và đối xử với họ theo kiểu trịch thượng, coi thường hoặc sỉ nhục. Ngôn ngữ xuất phát từ tư duy của bạn, nên hãy tránh suy nghĩ coi họ là “điên”, “không biết gì”
  • KHÔNG NÊN tỏ ra lo ngại, sợ hãi, tránh xa, coi họ là người “bất thường”, cần cách ly khỏi xã hội, hoặc tỏ ý phán xét, chê bai họ, tạo bầu không khí căng thẳng và gia tăng các cảm xúc tiêu cực cho họ.
  • KHÔNG NÊN khuyến khích, chấp nhận, hoặc im lặng trước các biểu hiện phán xét hay kỳ thị của người ngoài hoặc thậm chí người trong gia đình với người có TTPL, dù có mặt họ hay không. Không nhất thiết phải lên tiếng phản đối gay gắt hay có những hành động có thể gây nguy hiểm cho bản thân, chỉ cần nhẹ nhàng tỏ ý mình không đồng tình với lối nói hoặc suy nghĩ đó.
  • KHÔNG NÊN tự mình cảm thấy hổ thẹn, nhục nhã vì gia đình có người có TTPL. Người có TTPL là người mắc một bệnh lý cụ thể, và nếu đã chữa khỏi triệu chứng với ít suy giảm chức năng, thì là một người bình thường có nguy cơ phát bệnh cao hơn mặt bằng chung. Hãy đơn giản nhìn họ như người thân, người bạn bình thường của mình, đang gặp một biến cố của cuôjc đời.
  • NÊN đối xử với họ bằng tình yêu thương, thấu cảm và trắc ẩn. Trân trọng, động viên họ, cho họ cảm thấy được giá trị của mình trong mắt người thân và xã hội.
  • NÊN lắng nghe, thừa nhận cảm xúc, suy nghĩ của họ, dù có thể bạn không đồng tình với suy nghĩ đó hoặc không hiểu được nguyên do cảm xúc đó.
  • NÊN kiên nhẫn.
  • NÊN tạo bầu khí gia đình nhẹ nhàng, dễ chịu, ít căng thẳng áp lực.
  • NÊN giúp đỡ họ (nếu phù hợp) tìm hiểu thêm về bệnh, tham gia xây dựng cách chữa chạy cho bản thân.
  • NÊN làm cầu nối cho họ giao tiếp với người khác (nếu cần) trong các môi trường gia đình, bệnh viện, xã hội…, đứng lên bảo vệ họ trước thái độ kỳ thị, coi thường, tước quyền chủ động… Nhưng cũng cần cẩn thận không biến họ thành trẻ con, và tự mình tước quyền chủ động của họ dù có ý thức hay không.
  • NÊN chia sẻ với các thành viên gia đình hoặc người thân, bạn bè khác về các cách giao tiếp và đối xử với người có TTPL như đã trình bày trong bài viết này.
  • NÊN tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý cho người có TTPL khi giai đoạn cấp tính đã đi qua, đồng thời khuyến khích họ có những hoạt động thích hợp để cải thiện thể chất, tâm trạng, nhận thức, đi tìm ý nghĩa cuộc sống ở mức độ phù hợp, tiến tới sống cuộc sống tốt nhất có thể có.

Nếu những điều “nên” và “không nên” trong bài viết này có vẻ quá nhiều, đó là vì chăm sóc người có TTPL thực sự là một quá trình rất khó khăn, đôi khi đòi hỏi thay đổi toàn bộ cách giao tiếp, tư duy, nhìn nhận của mình đối với người có TTPL cũng như cách tiếp cận đời sống. Tuy nhiên, nếu thành công, đặc biệt với những người có rối loạn loạn thần cấp hoặc rối loạn hoang tưởng, việc nâng cao chất lượng cuộc sống đạt được cho người bệnh và gia đình sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Nếu bạn chưa thể làm được ngay lập tức những điều này, hoặc điều kiện sống không cho phép, hoặc bệnh tình của người thân không thể áp dụng được, thì cũng xin đừng áy náy hoặc tạo thêm sức ép cho bản thân. Là người chăm sóc hoặc thân nhân, bạn bè người có loạn thần-tâm thần phân liệt cùng các rối loạn liên quan là một áp lực rất lớn và gây đau khổ cho chính người chăm sóc.

Trên hết, bạn NÊN dành thời gian chú ý tới chính bản thân mìnhkịp thời chăm sóc cho những vấn đề thể chất và tinh thần của chính mình, cũng như huy động các nguồn lực gia đình và xã hội khác để giúp đỡ, đồng thời tìm kiếm sự thông cảm và chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ.

Nhóm Psybrosis xin đứng bên bạn trong trái tim trên hành trình này.

Bài viết trên đây tổng hợp từ nhiều tài liệu cùng các chia sẻ trực tiếp của người có TTPL và người nhà. Nếu anh/chị là một người có TTPL hoặc người nhà và cảm thấy các thông tin này chưa đầy đủ hoặc cần điều chỉnh, chúng tôi rất mong được nghe ý kiến của các anh/chị. Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.