Chia sẻ của chị N. H. T.

Gia đình tôi có căn tâm thần. Họ nội có nhiều người từng phát cơn, trở thành câu chuyện đàm tiếu của xóm làng. Trải qua mấy chục năm, gia đình tôi đã hình thành phản xạ, mỗi lần “có biến” thì lập tức sẽ thành lập một “tổ công tác” triệu tập các thành viên trong họ, cưỡng ép người đang phát bệnh đến bệnh viện, phân công người chăm sóc họ ở viện, người giúp trông nom con cái, quản lý nhà cửa trong lúc họ vắng nhà, người tới ở cùng sau khi họ ra viện, theo dõi buộc họ uống thuốc đầy đủ, không trốn thuốc.

Khi chị hai tôi lên cơn hoang tưởng trong thời kỳ Covid (trước khi giãn cách xã hội), hầu hết những người trong “tổ công tác” cũ đều đã mất hoặc già yếu. Khi triệu tập “tổ công tác” mới, anh rể tôi (chồng của chị ba) một mực đòi đưa ngay chị đến bệnh viện. Anh là người tốt nhưng tuổi cao hơn hẳn chúng tôi và tính khí gia trưởng, không quen chăm sóc người ốm và không biết rõ về tiền sử gia đình chúng tôi. Anh quan niệm là: bị tâm thần thì đến bệnh viện để cho viện nó lo, mình làm sao lo được, nhà bao việc.

Nhưng chị tôi rất dữ và tập gym nên cũng rất khỏe, chúng tôi không dám cưỡng ép đưa chị đi viện. Chị cũng không quá kích động và vẫn trò chuyện với chúng tôi bình thường, không có biểu hiện mất thần trí. Chỉ có điều câu chuyện luôn xoay quanh những ý nghĩ ám ảnh của chị, chị không ăn được, không ngủ được, mỗi ngày nói mười mấy tiếng đồng hồ rằng công ty chị toxic, mọi người có ý hãm hại chị, buộc chị phải bỏ làm quản lý v.v. Khi gợi ý đi khám tâm lý, chị phản đối vì vốn có ác cảm với bệnh viện và bác sĩ. Hơn nữa chị cũng đang ở tình trạng hoang tưởng nên nghi kỵ tất cả. Chúng tôi cũng không dám ép nhiều vì sợ chị nghi ngờ nốt mình.

Tôi đón chị về ở chung để tiện chăm sóc, vì nhà chị có con nhỏ (chị còn nghĩ con trai 3 tuổi của chị là đầu não chỉ đạo tất cả công ty hãm hại chị). Em bé được một người họ hàng xa tới trông. Tôi làm việc giờ giấc linh hoạt nên có nhiều thời gian dành cho chị, nhưng chị ba tôi cũng phải tới ở mấy ngày đầu và về sau thì mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Chị hai tôi thức cả đêm nên chúng tôi phải chia ca ngủ cùng phòng với chị. Chồng tôi đi làm cả ngày, tối về lại lo cơm nước cho mấy chị em (nói là cơm nước nhưng chủ yếu chỉ gọi Grab). Anh rể ba thỉnh thoảng gọi điện cho chị ba mấy tiếng đồng hồ, giục chúng tôi đưa chị hai đi viện và trách mắng chị ba bỏ bê gia đình.

Những lần trước nhà có chuyện, tôi còn nhỏ nên chỉ đứng ngoài mọi người bảo gì làm nấy. Lần này vừa là chủ nhà vừa phải chịu trách nhiệm chăm sóc chính, tôi rất kinh hãi không biết phải làm thế nào. May mà bây giờ có Internet và tôi đã có thói quen cái gì không biết thì lên mạng “hỏi ông Gúc”. Tôi tìm trong các tài liệu tiếng Anh, làm thế nào để đối phó với người bị hoang tưởng. Lúc đó tôi mới biết trên đời có khái niệm gọi là “loạn thần” (psychosis). Hóa ra trên mạng có rất nhiều thông tin nếu ta chịu khó tìm, và đây cũng là chuyện rất nhiều người gặp phải chứ không phải hiếm hoi gì. Các thông tin trên mạng đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của tôi. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác sửng sốt bàng hoàng khi đọc lần đầu tiên “không được tranh cãi với người loạn thần, vì như vậy có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của họ”.

Tôi dành cả ngày hôm đó, những lúc nào không phải trông chị, để đọc các thông tin trên mạng. Sau khi đã nắm được một số hướng dẫn cơ bản, tôi đi “phổ biến” lại cho mọi người trong gia đình. Kể từ hôm đó, cứ tối tối lúc chị mệt và nằm một mình trong phòng, tôi lại tập hợp mọi người để điểm lại các diễn biến trong ngày, phân tích phản ứng của chị trước những lời nói của chúng tôi (chị tôi bị loạn thần nên bất cứ lời nói vu vơ nào của chúng tôi hoặc lời nói trên đài, loa phường, người ngoài đường vọng vào, chị cũng nghĩ là một ám hiệu riêng nào đó), và rút kinh nghiệm những lần sau. Mọi người đều không quen cách nói chuyện này nên mắc lỗi rất nhiều và làm chị hoảng hốt nhiều lần, nên tôi phải điều chỉnh liên tục. Có một điều tôi học được và áp dụng triệt để là không tranh cãi về những chuyện chị lo lắng bị người ám hại, chỉ nắm tay và liên tục trấn an chị rằng “không sao hết, chừng nào chị còn ở đây, chị sẽ được an toàn, mọi người đều bảo vệ chị, cổng nhà khóa chặt, có chó dữ, nhà ở cạnh đồn công an, không ai có thể vào đây làm gì chị.” Lúc đó chị có vẻ bình tâm lại một chút.

Khi đón chị về nhà, vợ chồng tôi và cả chị ba đều nghĩ rằng có thể phải chăm sóc chị nhiều tháng, có khi nhiều năm. Thật may mắn và kỳ diệu, sau hai tuần ở nhà tôi, cách xa khỏi công việc công ty, hạn chế tối thiểu trao đổi với đồng nghiệp, chị đã dần dần bình tĩnh lại và không còn hoảng loạn như mấy hôm đầu. Trong hai tuần đó, chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn mấy năm trước cộng lại, và tôi hiểu hơn những căng thẳng và áp lực chị phải chịu hàng ngày, cũng như những lo âu và mặc cảm của chị từ nhỏ trong gia đình khi sống với bố mẹ đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chị khiến chị “lên cơn” như vậy. Tôi cũng biết rằng mặc dù đây là lần đầu tiên chị lâm vào tình trạng trầm trọng như vậy, thì nhiều suy nghĩ và cảm giác của chị cũng đã có từ thời trẻ, vào giai đoạn còn đi học đại học.

Khi đã bình tâm đủ, chị nhất quyết đòi trở về nhà và tiếp tục làm việc, dù tôi nằng nặc đòi chị ở nhà mình thêm ít lâu nữa. Tôi hỏi chị đã hết những suy nghĩ kia chưa thì chị nói “chưa hết, nhưng phải gạt nó đi không thì không tiếp tục làm việc được.” Trộm vía, từ lúc đó đến giờ, dù công việc vẫn áp lực nhưng chưa thấy chị có biểu hiện như vậy lần nào nữa. Chúng tôi cũng ít nhắc lại thời gian đó nên tôi không biết chị có ý thức về việc mình đã từng “bất thường” như vậy không.

Sau lần đó, một người chú tôi biết chuyện đã gọi cho tôi và chia sẻ các loại thuốc mà chú sử dụng để điều trị duy trì sau khi đã cắt cơn. Tôi hỏi chú có còn bị như vậy lần nào không (vì lần gần nhất chú phát bệnh cũng đã mười mấy năm trước), chú nói “giờ vẫn còn có tiếng nói trong đầu, nhưng mình phải tập mặc kệ nó thôi”. Chú tôi mặc dù phải về hưu non và không lập gia đình, nhưng hiện tại cũng sống cùng họ hàng, tích cực tham gia công việc của tổ dân phố, được mọi người yêu quý. Thỉnh thoảng trong khu nhà hay họ hàng người quen có người phát bệnh loạn thần (!), chú cũng chia sẻ thông tin thuốc thang và động viên họ chữa bệnh.

Tôi không rõ chị tôi bị như vậy là một lần rồi hết, hay là mang bệnh suốt đời và có thể phát lại trong tương lai. Nhưng tôi biết nếu có lần sau, tôi cũng đã có một chút kinh nghiệm và lòng kiên nhẫn để chăm sóc chị tốt hơn các chú, các bác tôi từng phải chịu đựng. Tôi khá ân hận mỗi khi nghĩ lại hồi nhỏ mình cũng đã từng suy nghĩ và xử tệ khi các chú “bị điên”, nhưng quả là khi đó tôi và mọi người lớn trong nhà đều không biết cách nào khác. Tôi cũng thường chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người có thêm một cách lựa chọn trong các tình huống rất kinh khủng và hoang mang cho cả người bệnh và gia đình.

Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.