Câu hỏi thường gặp về bệnh loạn thần – TTPL

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được qua thời gian nghiên cứu tư liệu và tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà. Nếu bạn có thắc mắc nào không được giải đáp dưới đây hoặc trong các phần khác của website, có thể gửi cho chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn.

1. Người nhà tôi dạo này hay nghe thấy tiếng nói lạ trong đầu/nhìn thấy ma, có phải là tâm thần hay không?

Trả lời: Ảo thanh (nghe thấy tiếng nói trong đầu) hoặc ảo thị (nhìn thấy thứ không tồn tại) có thể là một triệu chứng của loạn thần hoặc tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bệnh lý thần kinh hoặc nhiễm trùng khác có thể dẫn đến hiện tượng này. Anh/chị nên đưa người nhà đi khám để có chẩn đoán chính xác nhất và kịp thời chữa trị.

2. Người nhà tôi dạo này hay kích động, la hét, hung dữ, có phải là tâm thần hay không?

Trả lời: Kích động, la hét có thể đi kèm theo một số trạng thái của người có TTPL, nhưng không điển hình cho bệnh TTPL. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực, hoặc đơn giản thể hiện là người nhà của anh/chị đang có những vấn đề trong cuộc sống dẫn đến hoảng sợ, lo âu. Hãy cố gắng quan tâm trò chuyện để hiểu và giúp đỡ họ nếu cần có hỗ trợ tâm lý phù hợp.

3. Người nhà tôi dạo này thường tỏ ra nghi ngờ mọi thứ, cho rằng ai cũng nói xấu, đối xử xấu với mình. Đôi khi còn nghi ngờ cả tôi. Như thế có phải là bất thường không?

Trả lời: Trạng thái nghi ngờ bị hại có thể xảy ra với nhiều người đang chịu sức ép cao, không nhất thiết là dấu hiệu của hoang tưởng bệnh lý. Tuy nhiên, anh/chị có thể tìm hiểu thêm các dấu hiệu nhận biết sớm để theo dõi và đưa đi chẩn đoán nếu cần thiết.

Trên thực tế, phần lớn các biểu hiện của người có TTPL liên quan đến thu rút xã hội (đóng cửa trong phòng, hạn chế giao tiếp) hoặc giảm động lực, giảm niềm vui… Nhưng rất khó đưa ra chẩn đoán dựa vào những đặc điểm này vì dễ trùng hợp với nhiều hiện tượng khác (trầm cảm, căng thẳng, hoặc tâm trạng buồn bã thông thường).

4. Người nhà tôi vừa chơi thuốc quá liều/thất tình/thất nghiệp, bây giờ lúc mê lúc tỉnh, cười khóc lẫn lộn, có ảo thanh/ảo giác, các niềm tin hoang tưởng… Có phải đã bị tâm thần rồi không?

Trả lời: Hiện tượng loạn thần sau khi sử dụng chất kích thích hoặc trải qua một cú sốc mạnh gây căng thẳng, sang chấn không nhất thiết là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, mặc dù có thể tăng nguy cơ dẫn đến bệnh này về lâu dài. Nếu là một cơn loạn thần cấp, nó có thể đi qua khi nguồn gây căng thẳng hay kích thích đã đi qua. Dù sao, nếu người nhà đang phải chịu đau khổ mất kiểm soát và gia đình không có khả năng hỗ trợ phù hợp, thì nên tìm kiếm sự trợ giúp tâm lý.

5. Người nhà tôi có triệu chứng loạn thần hoặc tâm thần, tôi muốn đưa đi bệnh viện nhưng sợ sẽ bị bắt nhốt hoặc bị ghét bỏ, kỳ thị. Tôi phải làm sao?

Trả lời: Nếu người nhà anh/chị chưa bao giờ đi khám tâm thần, bệnh viện trước hết sẽ đánh giá biểu hiện và mức độ bệnh để có phương án chữa phù hợp. Có rất nhiều bệnh khác nhau trong nhóm loạn thần-tâm thần phân liệt, và rất nhiều trong số đó có thể điều trị ngoại trú hoặc chỉ nhập viện ngắn ngày. Thực tế là hiện tại các viện tâm thần ở Việt Nam đều quá tải nên ít có trường hợp “bắt nhốt”.

Kỳ thị ở cơ quan y tế với người bệnh tâm thần phân liệt, rất tiếc, vẫn là một vấn đề có tồn tại. Anh/chị có thể nghiên cứu kỹ để lựa chọn một nơi phù hợp với mình, đồng thời tập các cách nói chuyện với bác sĩ để bảo vệ quyền lợi cho người nhà và gia đình.

6. Tôi muốn đưa người nhà đi khám tâm thần thì phải đi đâu?

Trả lời: Hiện nay, hầu hết các bệnh viện lớn, bệnh viện đa khoa đều có khoa tâm thần để khám các vấn đề tâm lý. Nếu vấn đề của người nhà anh/chị ngoài phạm vi chuyên môn của họ, họ có thể giới thiệu đến các bệnh viện chuyên khoa. Ngoài ra, anh/chị có thể tham khảo danh sách các bệnh viện chuyên về tâm thần ở Việt Nam. Cần tìm hiểu sâu hơn về mỗi địa chỉ để đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.

7. Người nhà tôi vừa bị chẩn đoán tâm thần phân liệt, giờ tôi phải làm sao?

Trả lời: Cách tốt nhất là giúp đỡ họ điều trị. Giúp họ tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, đặc biệt là đảm bảo uống thuốc hết liệu trình. Có thể tìm hiểu các biện pháp điều trị tâm lý cho họ. Mỗi người bệnh có biểu hiện và mức độ khác nhau, nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để biết cách hỗ trợ phù hợp nhất. Trên hết, hãy ở bên đừng bỏ rơi họ, và hỗ trợ họ bằng lòng thấu cảm và yêu thương.

8. Con tôi từng được chẩn đoán tâm thần phân liệt, đã chữa trị xong và giờ đã khỏi, nhưng nó không chịu đi làm/đi học hoặc làm gì có ích cho xã hội vì lấy cớ mình là người ốm. Tôi phải làm sao?

Trả lời: Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh mãn tính, có thể thuyên giảm (không còn triệu chứng) nhưng không bao giờ khỏi hẳn. Có thể anh/chị không thấy biểu hiện bệnh bên ngoài, nhưng vẫn sẽ còn những tổn thương về não, về động lực hoặc tâm lý bên trong. Đây cũng là lý do khiến người có TTPL lâu năm khó duy trì việc làm ổn định hoặc các mối quan hệ. Họ gặp các khó khăn trong đời sống và hình ảnh bản thân giống như một người khuyết tật. Thêm nữa, các nghiên cứu cho thấy bầu khí gia đình thiếu ủng hộ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tái phát bệnh TTPL ở người bệnh đã thuyên giảm. Hãy cố gắng kiên nhẫn, thông cảm, và giúp đỡ họ sống cuộc sống tốt nhất có thể có của mình.

9. Gia đình tôi có gen di truyền tâm thần phân liệt nên tôi rất sợ. Tôi có nên tránh kết hôn và sinh con để khỏi truyền lại bộ gen xấu của mình?

Trả lời: Các nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy không tồn tại một “gen tâm thần phân liệt” cụ thể. Có nhiều gen đột biến có khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt, nhưng mỗi gen đóng vai trò rất nhỏ, và nguy cơ di truyền “cao” cũng không nghĩa là nguy cơ mắc bệnh cao. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho một người phát triển bệnh tâm thần phân liệt, vì vậy bạn hãy trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình và sống cuộc sống tốt nhất có thể có của mình nhé.

10. Hàng xóm/đồng nghiệp tôi có người bị tâm thần, tôi rất sợ. Tôi có nên báo công an hoặc bệnh viện đến bắt họ về trại?

Trả lời: Trái với hiểu lầm rằng người có TTPL thường hung dữ và nguy hiểm, phần lớn những người có bệnh chịu nguy hiểm từ cộng đồng nhiều hơn là mang lại nguy hiểm cho cộng đồng. Nếu hàng xóm hoặc đồng nghiệp bạn vẫn sinh hoạt tương đối bình thường trong cộng đồng, hãy tìm hiểu thêm để biết mức độ bệnh thực tế của họ trước khi có những hành động đột ngột. Bạn cũng có thể tham khảo thêm về cách suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống của người có TTPL nhé. Sự ủng hộ từ xã hội là cách tốt nhất để người có TTPL trở lại với cuộc sống khỏe mạnh và đầy đủ nhất có thể, trong khi sự kỳ thị xa lánh sẽ khiến họ có khả năng mắc bệnh nặng hơn. Vì vậy, bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người hàng xóm/đồng nghiệp cũng như trong xóm giềng/nơi làm việc của bạn.