Câu chuyện chia sẻ
Chia sẻ của người chăm sóc
Câu chuyện số 1.
Chia sẻ của chị H. T. N.
Tôi lớn lên trong giai đoạn gia đình còn khó khăn, cha mẹ thường cãi vã và bạo lực. Ba bỏ nhà đi sau khoảng thời gian ba mẹ tôi cãi nhau triền miên. Rồi tôi nghe người ta bảo mẹ tôi bị “điên”. Bản thân tôi khi ấy khoảng 4 tuổi và không nhớ rõ mình bắt đầu nhận ra sự khác biệt của mẹ từ khi nào. Nhưng trong ấn tượng đầu tiên của tôi là lúc tôi nhìn thấy ở dưới gầm giường mấy cái chai có nhốt những con vật nhỏ đã chết, cảm giác khó hiểu, hoang mang và sợ hãi là những gì tôi có lúc đó. Tôi biết là mẹ làm vì nhà chỉ có hai mẹ con. Tôi lén vứt đi, và vài hôm sau tôi lại tìm được một cái chai khác chứa một con vật nhỏ khác. Hỏi mẹ thì mẹ chỉ cười, cái cười rất dị rồi quay mặt đi chỗ khác. Trong tâm trí của một đứa trẻ, tôi không biết là mẹ – một người lớn làm vậy là có ý nghĩa gì? Tôi không biết là tôi đúng hay mẹ đúng và dĩ nhiên càng không biết là nên làm thế nào. Theo bản năng thì tôi vẫn tiếp tục vứt những cái chai của mẹ đi, cho đến một lần mẹ dọa đánh đòn và nói rằng: “Mẹ đang nhốt tù binh”.
Câu chuyện số 2.
Trích “Đại dương đen” của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Hằng tháng, ông đưa bác Thắng đi lấy thuốc. Bố tóc bạc đưa con tóc bạc lên xe buýt đến bệnh viện. Thường xuyên ra vào cái nơi “u ám, chả có tí tươi sáng nào” – đó là cách ông mô tả về khoa tâm thần của bệnh viện. Lương hưu thì thấp, chạy vạy từng miếng ăn hàng ngày, sức ép tứ phía, mọi đau khổ dồn lên hai ông bà lão đáng thương, căn bệnh đã làm suy sụp cả một gia đình.
Câu chuyện số 3.
Chia sẻ của chị N. H. T.
Gia đình tôi có căn tâm thần. Họ nội có nhiều người từng phát cơn, trở thành câu chuyện đàm tiếu của xóm làng. Trải qua mấy chục năm, gia đình tôi đã hình thành phản xạ, mỗi lần “có biến” thì lập tức sẽ thành lập một “tổ công tác” triệu tập các thành viên trong họ, cưỡng ép người đang phát bệnh đến bệnh viện, phân công người chăm sóc họ ở viện, người giúp trông nom con cái, quản lý nhà cửa trong lúc họ vắng nhà, người tới ở cùng sau khi họ ra viện, theo dõi buộc họ uống thuốc đầy đủ, không trốn thuốc.
Câu chuyện số 4.
Chia sẻ của chị H. N. T. N.
Mẹ tôi dần trở nên lầm lì, lúc nào ra đường cũng cúi gằm mặt, ai hỏi hay nói chuyện thì chỉ đảo mắt lên nhìn còn trạng thái cúi đầu vẫn giữ nguyên, trông có vẻ rất “nguy hiểm”. Quần áo giặt xong mẹ không đem phơi mà hong lửa cho khô nên thành ra cái nào cũng bị cháy xém hoặc lủng lỗ. Điện đóm trong nhà mẹ dùng cây đập vỡ, đập phá hết công tắc và ổ điện, nói là: “bật điện sáng, tụi nó thấy sẽ vào giết chết”, vậy là ban đêm nhà tôi tối om y hệt như một căn nhà hoang. Thỉnh thoảng mẹ đi ngang nhà dì thì ghé vào đòi nợ, mẹ bảo: “Nó nợ mấy chục tỷ mà không chịu trả”. Người ta bảo mẹ tôi bị ma nhập, dì tôi cúng kiếng, coi thầy khắp nơi nhưng cũng chẳng ăn thua. Sau đó người ta lại nói chắc mẹ tôi bị khùng rồi.
Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.