Chia sẻ của chị H. T. N.

Tôi lớn lên trong giai đoạn gia đình còn khó khăn, cha mẹ thường cãi vã và bạo lực. Ba bỏ nhà đi sau khoảng thời gian ba mẹ tôi cãi nhau triền miên. Rồi tôi nghe người ta bảo mẹ tôi bị “điên”. Bản thân tôi khi ấy khoảng 4 tuổi và không nhớ rõ mình bắt đầu nhận ra sự khác biệt của mẹ từ khi nào. Nhưng trong ấn tượng đầu tiên của tôi là lúc tôi nhìn thấy ở dưới gầm giường mấy cái chai có nhốt những con vật nhỏ đã chết, cảm giác khó hiểu, hoang mang và sợ hãi là những gì tôi có lúc đó. Tôi biết là mẹ làm vì nhà chỉ có hai mẹ con. Tôi lén vứt đi, và vài hôm sau tôi lại tìm được một cái chai khác chứa một con vật nhỏ khác. Hỏi mẹ thì mẹ chỉ cười, cái cười rất dị rồi quay mặt đi chỗ khác. Trong tâm trí của một đứa trẻ, tôi không biết là mẹ – một người lớn làm vậy là có ý nghĩa gì? Tôi không biết là tôi đúng hay mẹ đúng và dĩ nhiên càng không biết là nên làm thế nào. Theo bản năng thì tôi vẫn tiếp tục vứt những cái chai của mẹ đi, cho đến một lần mẹ dọa đánh đòn và nói rằng: “Mẹ đang nhốt tù binh”. 

Khoảng thời gian đó, mấy cô hàng xóm hay hỏi tôi có sợ mẹ không. Tôi không sợ mẹ, vì mẹ vẫn rất yêu thương, dạy tôi làm cái này cái kia, mẹ dạy viết chữ, cái gì ngon mẹ cũng dành cho tôi, thường hay ôm tôi vào lòng mà âu yếm.

Một hôm, trong lúc đang ăn trưa bỗng dưng mẹ la toáng lên bằng cái thứ ngôn ngữ khó nghe và khó hiểu, sau đó mang tô canh đi đổ, bảo là vì bà Đ. (người hàng xóm) mới bỏ thuốc độc, ăn vào sẽ chết nên không được ăn. Những ngày sau đó là mẹ tôi đứng ở sân mắng chửi nhà bà Đ., dĩ nhiên bà ấy không hiểu chuyện gì nhưng vì bị chửi vô cớ nên cũng chửi lại. Vậy là om sòm hết cả một góc đường nhỏ. Rồi mẹ thường vẽ những bức vẽ kỳ dị, nói đó là bà Đ. Mẹ bảo bà ấy lúc nào cũng nói rầm rì trong đầu, không để cho được yên ổn, không ngủ được nên nhất định phải mắng chửi bà ấy. Tôi khi ấy cũng tỏ ra khó chịu với mẹ, vì tuy còn nhỏ nhưng tôi hiểu những điều mẹ nói là không đúng, tôi cũng sợ ảnh hưởng đến tình bạn của tôi và T. (con của bà Đ.). Quả đúng thật là vậy, sau này tôi không còn dám sang nhà chơi với T. nữa, chúng tôi bị cấm chơi với nhau. Tôi thương mẹ nhưng cũng rất giận bà.

Rồi sau đó là những lần tôi thấy mẹ đứng trong phòng ngủ tối om, mặt cúi gằm, hai tay giơ thẳng ra phía trước và đứng như vậy rất lâu. Tôi sợ, rất sợ và không dám lên tiếng, chỉ lặng lẽ đứng nấp sau bức tường… Sau cái lần ấy thì chuyện đó diễn ra ngày một nhiều hơn. Mẹ hay nói những chuyện chẳng đầu chẳng đuôi rồi cười một mình, ban đầu tôi còn thắc mắc hỏi mẹ nhưng mãi rồi cũng quen. Mẹ như biến thành một người khác, lúc lạ lúc quen. Mẹ thường xuyên không nhìn tôi âu yếm và lắng nghe câu chuyện của tôi như trước nữa, mà thay vào đó là nhìn ra một góc khác, cái nhìn vô định, khuôn miệng thì cười cười, tôi thường cố lay mạnh để kéo mẹ về câu chuyện của mình, nhưng cái tôi nhận được chỉ là sự thất vọng vì lúc nào mẹ cũng trả lời: “ơi, mẹ đang nghe con nói đây”, nhưng thực ra thì mẹ có nghe đâu. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, đó là mẹ có mắng chửi ai đi nữa thì vẫn luôn cực kỳ yêu thương tôi, mẹ luôn tìm mọi cách để che chở và bảo vệ tôi, mỗi lần tôi đi chơi về mẹ đều kiểm tra xem tay chân có trầy trụa gì không rồi ôm tôi vào lòng mà vuốt ve, cưng nựng.

Không biết có phải vì hoàn cảnh không mà sau đó tôi trở nên nhút nhát hơn, tôi không trả lời những câu hỏi người ta hỏi về mẹ, nếu ai đó hỏi nhiều tôi sẽ khóc và họ sẽ không dám hỏi nữa. Nước mắt là vũ khí của tôi lúc đó, chỉ mong mọi người tránh xa mình ra. Tôi chỉ thích chơi với đám bạn hàng xóm của tôi khi ấy, vì chúng chẳng bao giờ tra khảo tôi điều gì.

Sau đó vài năm, ba tôi đi chán rồi cũng về. Về ít lâu có lẽ ông cũng nhận ra nhưng tôi chưa từng nghe ba đề cập đến việc đưa mẹ đi khám bệnh, bao nhiêu năm mẹ bị như vậy, đến tôi – một đứa trẻ con còn biết mẹ mình bị “điên”, chẳng lẽ một người đàn ông trưởng thành với đầy đủ nhận thức lại không hiểu. Có lẽ do cái thời đó người ta còn thiếu thốn về mọi thứ hay vì sự vô tâm mà những bệnh nào không đến nỗi nằm liệt giường thì đều bị bỏ qua và không quan tâm. Những triệu chứng hoang tưởng của mẹ ngày một nặng hơn theo năm tháng. Sau này mẹ tôi được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt thể paranoid.

Giờ đây, nhìn lại, tôi chỉ ước gì mình đã có thể làm nhiều hơn cho mẹ. Mỗi vết đau của mẹ là một phần ký ức chôn sâu trong tôi, nhắc nhở tôi rằng, dù có chuyện gì xảy ra, mẹ vẫn là người yêu thương tôi nhất trên đời. Do đó, tôi mong rằng những người mắc loạn thần có thể được yêu thương, quan tâm, chăm sóc và chữa trị nhiều hơn. Họ không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ, chính nỗi sợ của mọi người đã đẩy họ vào hoàn cảnh bị kỳ thị và giảm cơ hội được phục hồi.

Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.