Sau đây là một trong những câu chuyện có thật lấy từ cuốn sách “Đại dương đen” về trầm cảm của tác giả Đặng Hoàng Giang. Tên nhân vật trong câu chuyện đều đã được tác giả cuốn sách thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư cho nhân vật. Vì chưa liên hệ được với tác giả để xin phép nên chúng tôi mạo muội trích và tóm tắt một phần ở đây, mời các bạn mua sách để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản.

Câu chuyện của ông Thạch, 83 tuổi, bộ đội giải ngũ.

Ông Thạch là người làm trong quân đội, ông đi bộ đội, sau đó về làm hậu cần. Trong thời gian công tác, ông đã đạt được nhiều thành tích và được đơn vị khen thưởng cũng kha khá. Theo như lời tự thuật thì ông vốn có sức khỏe thể chất rất tốt, hầu như chưa bao giờ mắc bệnh gì ngoài cảm cúm lặt vặt.

Vào khoảng năm 2012, 75 tuổi ông bắt đầu bị khó ngủ và hay bị mê sảng. Lúc đầu cũng chủ quan, nhưng về sau khó chịu quá ông cũng tự đi tìm các loại thuốc an thần, thảo dược để uống nhưng không có tác dụng. Đến năm 2016 thì vấn đề càng trầm trọng hơn. Ông tự bảo hay là mình có vấn đề tâm thần, các con ông gạt phắt đi: “Bố có bị tâm thần đâu, bố tự điều chỉnh đi”. Các con ông quan niệm bệnh tâm thần là vô cùng nặng nề.

Về phần gia đình, ông có 3 người con. Người con cả tên Thắng, ở cái thời điểm ông kể lại câu chuyện này thì bác này đã 60 tuổi. Con trai thứ và con gái út đều là công nhân và buôn bán nhỏ, duy chỉ có bác Thắng là tốt nghiệp cao đẳng Y và làm việc ở trung tâm y tế quận. Bác Thắng là niềm tự hào của gia đình ông, theo như ông Thạch kể thì bác này rất ngoan, đẹp trai, không rượu chè nhưng mãi mà vẫn chưa lấy được vợ. Sau này, khi các triệu chứng đã lộ ra rõ ràng thì người ta mới nhận ra bác Thắng bị tâm thần, có nhiều lần nhân viên y tế phải đến tận nhà để cưỡng chế tiêm thuốc. Bác ấy được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt hoang tưởng sợ hãi. Bác ấy sợ bị đánh nên hay ngồi thu lu ở góc nhà, không dám tiếp xúc với ai. 

Kể từ đó, ông Thạch đưa con đi khắp nơi chữa bệnh, 26 năm lẽo đẽo theo hầu con. Ông bảo tiền không nhiều nên phụ thuộc vào bảo hiểm: “Thậm chí có nhiều lúc rơi nước mắt vì đụng phải một cơ quan nó bao cấp, công quyền bác ạ. Cái bảo hiểm có lắm thứ phiền toái. Trời ơi, cả một rừng thủ tục! Thuốc thang thì lởm. Trình độ Việt Nam, hoàn cảnh Việt Nam lúc đó làm gì có những loại thuốc như bây giờ”.

Hằng tháng, ông đưa bác Thắng đi lấy thuốc. Bố tóc bạc đưa con tóc bạc lên xe buýt đến bệnh viện. Thường xuyên ra vào cái nơi “u ám, chả có tí tươi sáng nào” – đó là cách ông mô tả về khoa tâm thần của bệnh viện. Lương hưu thì thấp, chạy vạy từng miếng ăn hàng ngày, sức ép tứ phía, mọi đau khổ dồn lên hai ông bà lão đáng thương, căn bệnh đã làm suy sụp cả một gia đình.

Nhắc lại bệnh của mình, ông Thạch bảo cái năm 2016 ông sức cùng lực kiệt, quanh quẩn ở bệnh viện tuyến dưới người ta cứ chẩn đoán ông mắc mỡ máu và huyết áp. Cuối cùng ông đành vượt tuyến lên khoa tâm thần của bệnh viện Bạch Mai mặc cho các con ngăn cản. Ở đây, họ xét nghiệm, khám rồi khẳng định ông Thạch bị “hỗn hợp trầm cảm và lo âu mức độ nặng”, họ còn ghi chú thêm: “yếu tố đặc biệt là nhiều năm liền chăm sóc con trai bị tâm thần”. Uống thuốc của Bạch Mai thì ông đỡ hơn, theo ông nói là “giảm được ba bốn phần trên mười”. Sau này, may mắn thế nào ông gặp được bác sĩ Phi, một bác sĩ hết sức giỏi giang và tận tình – theo nhận xét của ông Thạch. Bác sĩ Phi khuyên ông nhập viện Lão khoa, nơi bác ấy làm việc.

Sau thời gian được bác sĩ Phi chăm chữa thì ông Thạch bảo đã trở nên “lạc quan và phơi phới”, đã có thể ngủ ngon giấc, thậm chí ngủ sâu và thức dậy rất sảng khoái, những cau có, bức bối cũng đã biến mất dù hoàn cảnh gia đình của ông vẫn vậy.

Sau nhiều năm “chinh chiến” chữa trị cho con trai và chính bản thân thì ông Thạch nói: “ Cái bệnh tâm thần này thì làm gì có xét nghiệm máy móc gì nhiều, nên để kê đơn thuốc cho chuẩn thì người ta phải nói chuyện, phải quan sát, nhìn vào hành vi, phải trông mặt bắt hình dong. Nhưng họ không quan tâm, họ chỉ hỏi qua loa, năm mười phút là xong. Làm gì có theo dõi, làm gì có hướng dẫn tỉ mỉ.” Tuy nói vậy nhưng ông Thạch cũng kết một câu đầy cảm thông rằng ông hiểu vì bệnh nhân đông quá, bác sĩ lo không xuể.

Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.