Câu chuyện chia sẻ
Câu chuyện số 4
Câu chuyện được chị H.N.T.N chia sẻ với chúng tôi.
Mẹ tôi được bác sĩ ở bệnh viện tâm thần chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt.
Bố mẹ tôi ly hôn năm tôi 2 tuổi, tôi sống cùng mẹ. Khi ấy mẹ tôi còn bình thường lắm. Mẹ tôi đảm đang, tháo vát, mẹ nấu chè bán cho đám trẻ con trước trường tiểu học, tuy có vất vả nhưng hai mẹ con vẫn vui vẻ và cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Khi đó tôi cũng vừa vào lớp 1 và rất tự hào với đám bạn vì mẹ nấu chè rất ngon. Nhưng chắc có lẽ chỉ có tôi cảm thấy vậy, còn mẹ thì không. Khi tôi nghỉ hè lớp 1, chuẩn bị vào lớp 2 là khoảng thời gian tôi thấy mẹ hay buồn và khóc một mình vào ban đêm. Vào năm học mới, mẹ nghỉ bán, bảo là “người ta không cho bán”. Lúc đó tôi không biết “người ta” đó là ai, nhưng cũng không dám hỏi nhiều. Không có thu nhập nên những ngày sau đó mẹ tôi phải xuống sông bắt cá để bán cho mấy người tiểu thương trên chợ, hôm nào có nhiều cá thì bữa cơm ngon hơn, không thì hai mẹ con ăn mì gói, loại mì gói giấy rẻ tiền nhất. Mùa khô thì mẹ đi nhặt quả dương (quả của cây dương, loại cây lá kim hay được trồng ở vùng đất cát miền Trung). Mẹ đã nuôi tôi lớn lên bằng cách đó.
Mẹ tôi dần trở nên lầm lì, lúc nào ra đường cũng cúi gằm mặt, ai hỏi hay nói chuyện thì chỉ đảo mắt lên nhìn còn trạng thái cúi đầu vẫn giữ nguyên, trông có vẻ rất “nguy hiểm”. Quần áo giặt xong mẹ không đem phơi mà hong lửa cho khô nên thành ra cái nào cũng bị cháy xém hoặc lủng lỗ. Điện đóm trong nhà mẹ dùng cây đập vỡ, đập phá hết công tắc và ổ điện, nói là: “bật điện sáng, tụi nó thấy sẽ vào giết chết”, vậy là ban đêm nhà tôi tối om y hệt như một căn nhà hoang. Thỉnh thoảng mẹ đi ngang nhà dì thì ghé vào đòi nợ, mẹ bảo: “Nó nợ mấy chục tỷ mà không chịu trả”. Người ta bảo mẹ tôi bị ma nhập, dì tôi cúng kiếng, coi thầy khắp nơi nhưng cũng chẳng ăn thua. Sau đó người ta lại nói chắc mẹ tôi bị khùng rồi.
Vì mẹ như vậy nên khi vào lớp 2, tôi đã phải dậy sớm mỗi ngày để tự nấu cơm ăn đi học nếu hôm ấy nhà còn gạo, không thì tôi sẽ nhịn đói đến trường. Sách vở cũng phải giấu thật kỹ, nếu mẹ tìm thấy được sẽ viết vẽ bậy đầy lên khiến tôi phát khóc. Ông ngoại là liệt sĩ nên mẹ tôi có tiền trợ cấp hàng tháng, dì tôi giữ để mua sách vở, quần áo, và học phí cho tôi, dư ra thì sẽ mua gạo chở lên nhà cho hai mẹ con. Chắc vì vậy nên mẹ mới nói dì tôi nợ mấy chục tỷ cũng nên.
Khi tôi lớn hơn một chút, tôi ý thức được việc người ta hay chỉ trỏ mỗi khi tôi ra đường: “Con bé đó là con bà B. điên, ở gần trường tiểu học đó”. Tôi cực kỳ ghét họ, những con người nhiều chuyện và độc miệng. Ngoài việc hay mắng dì tôi nợ dai thì mẹ tôi chẳng gây hấn gì với ai, nhưng mẹ cứ thích đi lang thang ngoài đường bất kể nắng mưa hay ngày đêm. Những lần đầu mẹ đi đêm tôi còn lo sợ sốt vó, nhưng nhiều lần thấy mẹ về lành lặn nên tôi cũng dần quen, với lại thực ra thì tôi cũng chẳng làm được gì, vì mẹ rất cương quyết: “Mẹ đi công tác, chỉ huy giao nhiệm vụ nên phải đi”. Trong hoang tưởng của mẹ thì mẹ là một chú bộ đội, chiến công hiển hách, mẹ hay đi nhặt mấy cái nắp chai bia về và nói đó là huân chương kháng chiến mà đơn vị tặng nên rất trân quý.
Năm tôi học lớp 8, một hôm không biết mẹ xách từ đâu về một cái ba lô học sinh còn khá mới, ôm khư khư không cho tôi động vào. Đến chiều muộn, có mấy người đàn ông lao vào sân nhà, chửi mẹ tôi là quân trộm cắp, họ là dân xóm khác. Họ đến để đòi cái ba lô, còn định lao vào đánh mẹ tôi. Tôi vừa sợ vừa khóc chạy đi gọi dì dượng, hàng xóm cũng đến can ngăn. Người ta bảo: “Bà này bị điên chứ không phải ăn cắp đâu, đừng có đánh”. Nhưng mẹ tôi thì không hề tỏ ra sợ mà đứng trừng mắt nhìn đám người, nhất quyết không chịu trả lại đồ. Trong ba lô đó có giấy báo dự thi và chứng minh nhân dân của con gái chú đó, sáng hôm sau sẽ đi thi đại học. Sau khi tôi khóc khản cổ năn nỉ mẹ trả lại đồ cho người ta thì mẹ cũng vào nhà lấy ra trả. Những người đó trước khi về còn chỉ vào mặt tôi: “Mẹ mày điên thì nhốt cho kỹ vào, sao thả ra ngoài cho đi hại người ta”, tôi cay đắng siết chặt hai nắm tay mà không dám ngước lên nhìn cho đến khi tiếng xe máy nhỏ dần.
Đến năm tôi chuẩn bị vào lớp 10 thì cậu với dì gom góp được một ít tiền để đưa mẹ tôi đi khám bệnh. Dì và cậu cũng không khá giả gì mấy. Dì tôi buôn bán lặt vặt ở chợ, cậu tôi thì đi phụ khuân vác cho tàu cá. Họ cũng có gia đình riêng nên làm được như vậy là đã quá cố gắng và tôi cũng đã cảm thấy biết ơn lắm rồi, nếu không có họ tôi cũng không biết mẹ và mình sẽ trở nên như thế nào nữa. Sau khi thăm khám thì như tôi nói ban đầu, bác sĩ bảo bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Sau đó mẹ tôi được nhập viện, vì có thẻ bảo hiểm, mẹ là con liệt sĩ, gia đình tôi lại là hộ nghèo nên được hưởng bảo hiểm 100%, tiền giường bệnh chỉ phải đóng một ít, ngoài ra chỉ phải lo tiền ăn. Nhưng may mắn thay, ở bệnh viện ngày nào cũng có đoàn từ thiện phát cơm, cơm của họ rất tử tế, không phải cơm khô mà rất mềm, đồ ăn cũng rất ngon, vậy là đỡ bớt gánh nặng cho dì và cậu tôi. Tuy mẹ tôi ra viện không khỏi hoàn toàn nhưng cảm giác không còn nặng nề như trước, mẹ không còn bỏ đi đêm, chỉ còn hay nói chuyện và cười một mình. Mẹ cũng đã biết tự đi chợ và tự nấu cơm, cũng biết giữ gìn nhà cửa sạch sẽ chứ không còn bày bừa như trước đây, cũng còn chửi dì tôi nợ tiền nhưng đã giảm đi số lần. Đối với tôi, bấy nhiêu đó thôi cũng đã là tốt lắm rồi.
Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.