những hiểu lầm phổ biến về bệnh tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt phổ biến hơn chúng ta nghĩ (một số thống kê ước tính chiếm chừng 1% dân số) và rất nhiều người trong số đó đang sinh sống, hoạt động bình thường giữa chúng ta. Tuy nhiên, hình ảnh mà ta có về người có TTPL phần lớn là tiêu cực, kịch tính và sai lạc, được góp phần thổi phồng nhờ truyền thông. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về người có TTPL.
Lưu ý: Một số thông tin và từ ngữ dưới đây có thể gây ra cảm xúc tiêu cực khi đọc. Cần chú ý đang ở tâm trạng bình tĩnh trước khi đọc và không tiếp tục đọc nếu có dấu hiệu phản ứng mạnh.
1. “Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh một người chia ra làm nhiều nhân cách khác nhau.”
Thực tế: Bạn đang nghĩ đến bệnh đa nhân cách, hoặc cách gọi theo cẩm nang chẩn đoán bệnh tâm thần Mỹ DSM-5 là rối loạn nhân dạng phân ly (dissociative identity disorder). Cách gọi “tâm thần phân liệt” (schizophrenia nghĩa đen là “tâm trí bị cắt rời ra”) muốn nói đến sự đứt kết nối giữa các bộ phận và chức năng trong não.
2. “Người tâm thần hay la hét, gào thét.”
Thực tế: Người có TTPL có rất nhiều dạng biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, la hét, gào thét thì thường là do một người đang trong cơn hoảng loạn hoặc kích động, không liên quan trực tiếp đến triệu chứng bệnh TTPL. Hoặc có thể là do họ đang ở ca hưng cảm của rối loạn lưỡng cực, vốn là một bệnh đồng mắc phổ biến ở TTPL.
3. “Mấy người tâm thần rất nguy hiểm, hung dữ, hay tấn công người khác.”
Thực tế: Người có TTPL có nhiều dạng biểu hiện khác nhau. Trong một số rất ít trường hợp, người trong cơn loạn thần cấp và ở tình trạng kích động có thể phản ứng vật lý lại với những người xung quanh. Một số cực hiếm người ở dạng hoang tưởng hoặc ảo thanh có thể tấn công người khác vì nghe theo tiếng nói trong đầu. Nhưng nhìn chung, người có TTPL là nạn nhân của bạo lực và kỳ thị phát triển bằng bạo lực nhiều hơn là nguồn nguy hiểm cho những người xung quanh.
Khi không ở trong cơn loạn thần cấp, người có TTPL là một người bình thường với những tình cảm và tính cách bình thường. Trong bệnh viện hoặc ngoài xã hội, người có TTPL có thể rất nhạy cảm với nỗi đau của những người gặp hoàn cảnh tương tự, và sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân khác đối phó với triệu chứng của mình, hoặc giúp đỡ người chăm sóc bệnh nhân khác.
4. “Người tâm thần không có ý thức, không biết đau, không biết chuyện gì xảy ra xung quanh mình, hoặc không nhớ chuyện gì đã xảy ra khi phát cơn loạn thần.”
Thực tế: Người có TTPL hoặc trong cơn loạn thần vẫn tri giác sự vật hiện tượng bên ngoài bình thường, bên cạnh các ảo giác hoặc niềm tin hoang tưởng của họ. Và họ vẫn nhớ, vẫn biết những lời nói hoặc việc làm của bạn, và nếu bạn làm đau hay xúc phạm họ, họ vẫn biết đau và buồn khổ.
5. “Người tâm thần cần nhốt lại để khỏi làm tổn thương đến người khác.”
Như đã nói, số người có TTPL gây tổn thương đến người khác không phải là số lượng lớn, ngược lại người có TTPL chịu kỳ thị và bạo lực từ bên ngoài nhiều hơn. Người có TTPL cần sự hỗ trợ từ người thân và cộng đồng để điều trị và giảm nhẹ bệnh tình. Cách ly với xã hội, trong những điều kiện thiếu vệ sinh hoặc quyền con người sẽ làm tổn thất về tâm lý và nhận thức cho người bệnh, khiến bệnh càng trở nặng.
6. “Gia đình tôi có gen tâm thần, tôi không nên kết hôn và sinh con để truyền lại gen xấu.”
Thực tế: Bệnh tâm thần phân liệt có yếu tố di truyền, và nhiều người mang mã gen khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những người khác. Nhưng yếu tố di truyền cần phải kết hợp với nhiều điều kiện khác mới có thể trở thành bệnh lý, và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cùng lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để giảm nhẹ nguy cơ này.
7. “Người tâm thần là do quỷ ám, ma nhập, cần phải đi trục vong.”
Thực tế: Có nhiều quan điểm tôn giáo, tâm linh khác nhau để giải thích các hiện tượng giống như loạn thần và tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cách tốt nhất để giúp đỡ người bệnh vẫn là đi khám ở các cơ sở chuyên khoa. Bệnh được can thiệp sớm sẽ làm giảm nguy cơ phát triển tăng nặng và cải thiện tiên lượng lâu dài. Gia đình có thể kết hợp với các biện pháp đi chùa, cúng bái nếu phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng và tâm lý của gia đình và bệnh nhân.
8. “Người tâm thần sẽ sống trong điên loạn suốt đời.”
Thực tế: Bệnh TTPL có nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Ở mức độ nhẹ, người có TTPL có thể được điều trị thuyên giảm và trở về với cuộc sống bình thường như mọi người khác. Ở các mức độ nặng hơn, tùy trường hợp, có thể có cách điều trị để giảm bớt triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Hiện nay, khoa học cũng không ngừng có những phát kiến mới và đưa ra các cách điều trị mới. Tìm hiểu thông tin đầy đủ để giúp đỡ người bệnh tốt hơn cũng là cải thiện điều kiện sống cho cả gia đình và xã hội.
9. “Bệnh điên dễ lây lắm, sống lâu với người điên cũng hóa điên.”
Thực tế: Có nhiều thuyết ngày trước rằng tâm thần và nhất là các niềm tin hoang tưởng có thể “lây”, nhưng những nghiên cứu khoa học thực chứng đã phủ nhận thuyết này. Tuy nhiên, sinh hoạt và chăm sóc người bệnh là một nguồn căng thẳng lớn thường trực, nên những người có nguy cơ về sinh học cũng sẽ tăng nguy cơ do căng thẳng đó. Ngoài ra, nếu người chăm sóc là người thân trong gia đình, thì cũng có thể có nguy cơ cao hơn người bình thường do chung thông tin di truyền và bầu khí gia đình với người bệnh. Tuy nhiên, việc “lây” là không có, và nếu người có nguy cơ biết cách quản lý mức độ căng thẳng của mình thì hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ này.
Bài viết trên đây tổng hợp từ nhiều tài liệu cùng các chia sẻ trực tiếp của người có TTPL và người nhà. Nếu anh/chị là một người có TTPL hoặc người nhà và cảm thấy các thông tin này chưa đầy đủ hoặc cần điều chỉnh, chúng tôi rất mong được nghe ý kiến của các anh/chị. Nếu các anh chị muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, chúng tôi rất trân trọng và cảm tạ. Có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email 2366162063@hcmussh.edu.vn hoặc dùng form liên hệ ẩn danh ở đây.