Dành cho người chăm sóc
Quá trình chăm chữa người mắc tâm thần phân liệt
(Chia sẻ của chị H.T.N., người nhà bệnh nhân lâu năm.)
1. Chăm chữa tại nhà theo hướng dẫn dùng thuốc và chăm sóc của bác sĩ tâm thần
Điều kiện đầu tiên để một người mắc tâm thần phân liệt có thể được chăm sóc và trị liệu tại nhà là cần có người chăm sóc để theo dõi việc uống thuốc và mức độ trầm trọng của bệnh là không quá nặng để người chăm sóc có thể đảm nhiệm được.
Ngoài theo dõi việc dùng thuốc đúng giờ, đúng liều thì người chăm sóc sẽ còn hỗ trợ các vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày như bữa ăn, vệ sinh, các vấn đề liên quan đến giao tiếp của người bệnh với người khác. Trong mục Những điều nên và không nên cũng đã có hướng dẫn cách nói chuyện và giao tiếp khi chăm sóc người bệnh.
Ngoài các khó khăn trong việc chăm sóc thì khó khăn trong hình thức chăm chữa này, đã được nhắc đến trong các phần trước, còn là vấn đề về chi phí sinh hoạt, thuốc men khi người chăm sóc hầu như dành toàn bộ thời gian cho việc chăm sóc và không có hoặc bị giảm thiểu thu nhập, trở thành gánh nặng kinh tế của gia đình.
Ưu điểm của cách chăm chữa này là người bệnh được gần gũi gia đình, được chăm sóc sinh hoạt điều độ. Bản thân người bệnh không phải lúc nào cũng rơi vào trạng thái mất ý thức, hoảng loạn, họ cũng có những lúc tỉnh táo và vẫn nhận thức được xung quanh. Do đó, nếu được sự yêu thương, quan tâm, gần gũi của gia đình cũng là sự an ủi lớn dành cho người bệnh.
2. Nhập viện điều trị
Đối với những trường hợp mà gia đình có nguyện vọng cho người bệnh nhập viện thường là do không thể chăm sóc được hoặc tình trạng bệnh quá nặng nề đến mức gia đình không thể kiểm soát được người bệnh.
2.1. Quá trình đưa đi thăm khám và nhập viện đối với người bệnh đồng ý tự nguyện đi khám bệnh:
- Bước 1- chuẩn bị: Người nhà cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân của người bệnh như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế (nếu có). (Hiện nay đa phần đã được tích hợp vào căn cước công dân, tuy nhiên đối với trường hợp đặc thù như người mắc tâm thần phân liệt hoặc do chưa cập nhật nên nhiều trường hợp vẫn sử dụng thẻ giấy.) Ngoài ra cần tìm cách báo với người bệnh về việc chuẩn bị đi kiểm tra sức khoẻ, để tránh cho họ bị bất ngờ và có hành vi kháng cự.
- Bước 2- đưa bệnh nhân đi viện: khuyến nghị nên sử dụng các phương tiện an toàn như taxi, thuê xe ô tô thay vì đi các phương tiện mô tô hai bánh, nên có người thân gần gũi và người có sức khỏe tốt (nam giới) đi kèm để tránh trường hợp họ đổi ý trên đường thì có thể kiểm soát tình hình tốt hơn.
- Bước 3- thăm khám và thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ: Khi đến bệnh viện, thông thường sẽ điền các mẫu giấy tờ được bệnh viện cung cấp, người thân khai đầy đủ thông tin và nộp lại cho nhân viên y tế. Sau đó người bệnh sẽ được kiểm tra về thể chất như đo cân nặng, chiều cao, huyết áp, được hỏi han về tiền sử cũng như các bệnh thể lý đã và đang mắc. Khi hoàn thành bước thăm khám ban đầu này, bệnh nhân sẽ được chuyển xuống khoa tâm thần, tại đây sẽ có bác sĩ chuyên khoa thăm khám cũng như sẽ hỏi han kỹ càng người thân về lịch sử bản thân, lịch sử bệnh, điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống của họ từ quá khứ đến hiện tại… để đưa ra cách điều trị phù hợp cũng như quyết định có nên cho bệnh nhân nhập viện hay không.
2.2. Quá trình đưa đi thăm khám và nhập viện đối với người cự tuyệt việc đi khám bệnh:
Việc tiến hành cho người mắc tâm thần phân liệt đi khám và nhập viện cũng không đơn giản như những bệnh nhân mắc các căn bệnh khác, nhất là đối với người mắc tâm thần phân liệt thể hoang tưởng như hoang tưởng bị hại (họ luôn nghi ngờ những người xung quanh luôn có âm mưu ám hại mình), hay hoang tưởng cứu thế (họ sẽ cho rằng họ là đấng tối cao mà không ai được quyền “phạm thượng” hay đụng đến họ), việc thuyết phục họ đi bệnh viện bằng các phương tiện thông thường dường như là rất khó khăn.
- Bước 1- chuẩn bị: người nhà nên tìm cách liên hệ trước với bệnh viện định đưa bệnh nhân đến khám chữa để hỏi thăm trước về các thủ tục, các giấy tờ cần chuẩn bị, vì một số bệnh viện yêu cầu điền mẫu, dán hình, ký tên sẵn trước khi vào viện để tiết kiệm thời gian và tránh tình trạng thiếu hụt giấy tờ, vì mỗi lần đưa người bệnh đến đều rất khó khăn. Nếu gia đình cảm thấy không thể tự đưa người bệnh đi thì có thể hỏi nhân viên y tế để được giới thiệu dịch vụ về vấn đề xe đón và nhân viên hỗ trợ, đối với dịch vụ này sẽ có phát sinh phí (phí cao hay thấp tùy thuộc vào quãng đường từ nhà đến bệnh viện). Ngoài ra cũng cần chuẩn bị đầy đủ thẻ căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.
- Bước 2- đưa bệnh nhân đi viện: dưới sự giúp đỡ của dịch vụ, họ sẽ hỗ trợ người nhà đưa bệnh viện, đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển. Dịch vụ cũng sẽ hỗ trợ người nhà và hướng dẫn người nhà các thủ tục trong quá trình vào thăm khám.
- Bước 3- thăm khám và thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ: thực hiện như bước 3 trong mục 2.1.
Thông thường, với các bệnh nhân có mức độ bệnh nặng như vậy bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện để điều trị. Người nhà thường sẽ không trực tiếp chăm sóc mà người bệnh sẽ được chăm sóc bởi nhân viên y tế (thuốc thang, ăn uống). Người nhà sẽ được hướng dẫn về cách thức và giờ thăm bệnh.
2.3. Điều trị nội trú ở bệnh viện
Bệnh nhân sẽ được sắp xếp khu vực giường bệnh tuỳ thuộc vào mức độ nặng và sẽ được điều trị bằng thuốc.
Thông thường thuốc điều trị sẽ có tác dụng phụ, nếu người thân đến thăm phát hiện tác dụng phụ biểu hiện bên ngoài như nổi mề đay gây ngứa khắp người, run rẩy, đau nhức,… thì nên thông báo cho nhân viên y tế để được cân nhắc việc thay đổi thuốc trị liệu.
Khuyến khích người nhà thường xuyên đến thăm để theo dõi tình hình sức khỏe tinh thần, thể chất và động viên bệnh nhân trong quá trình điều trị, nhằm tránh cho họ khỏi cảm giác cô độc và bị bỏ rơi.
Nếu bệnh nhân được xuất viện, cần tuân thủ chặt chẽ lời dặn dò của bác sĩ trong việc dùng thuốc và các lưu ý khác (nếu có).
2.4. Các vấn đề về chi phí khám chữa bệnh
Thông thường, chi phí khám chữa bệnh ở các cơ sở công lập sẽ thấp hơn các bệnh viện dân lập hoặc bệnh viện quốc tế (hiện nay, hầu như các cơ sở có điều trị nội trú cho tâm thần phân liệt đều là các cơ sở công lập).
Bảo hiểm y tế cũng sẽ hỗ trợ đáng kể đối với bệnh nhân điều trị nội trú. Gia đình thường chỉ phải thanh toán các loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, chi phí ăn uống và một phần tiền viện phí (sẽ khác nhau tùy vào từng bệnh viện và tuỳ vào tỷ lệ được chi trả dựa vào mã trên thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân).