Lịch sử bệnh
tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt, một trong những rối loạn tâm thần phức tạp nhất, đã có lịch sử dài trong nhận thức của con người, từ những cách giải thích siêu nhiên thời cổ đại đến các cách tiếp cận khoa học hiện đại. Hãy cùng khám phá cách loài người đã hiểu và xử lý các triệu chứng của rối loạn này qua từng thời kỳ lịch sử.

  1. Thời cổ đại: Ma quỷ và sự trừng phạt của thần linh

Mặc dù khái niệm “tâm thần phân liệt” chỉ chính thức xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, những biểu hiện tương tự như ảo giác, hoang tưởng và hành vi kỳ lạ đã được ghi nhận từ thời xa xưa. Trong các nền văn minh cổ đại, sự thiếu hụt kiến thức khoa học và y học khiến những hiện tượng này thường được lý giải thông qua các quan niệm tâm linh, siêu nhiên hoặc tôn giáo.

Trong thời kỳ này, tâm linh chi phối cách con người lý giải rối loạn tinh thần. Trong nhiều nền văn hóa cổ đại, những triệu chứng như nghe thấy giọng nói không tồn tại (ảo thanh) hoặc có niềm tin mãnh liệt vào những điều không có thật (hoang tưởng) thường bị quy kết là hậu quả của sự can thiệp từ thế lực siêu nhiên. Các nền văn hóa này tin rằng người mắc bệnh bị “quỷ ám,” mang thông điệp từ thần linh, hoặc phải chịu sự trừng phạt thiêng liêng vì hành vi sai trái.

Niềm tin này mang một sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến tư duy và hành động của con người thời kỳ đó. Các phương pháp điều trị không dựa trên y học mà tập trung vào các nghi thức tôn giáo như cầu nguyện, tế lễ hoặc xua đuổi tà ma. Ngoài ra, những người mắc triệu chứng thường được coi là vừa đáng sợ, vừa thiêng liêng, dẫn đến các hình thức đối xử rất đa dạng: từ tôn thờ đến xa lánh hoặc trừng phạt.

Khi nhìn sang quan điểm của người Ai Cập cổ đại, chúng ta không thể bỏ lỡ Papyrus Ebers (khoảng năm 1550 TCN). Đây là một trong những văn bản y học lâu đời nhất được biết đến, ghi chép về các triệu chứng rối loạn tinh thần và cách xử lý chúng. Văn bản này miêu tả việc sử dụng các câu thần chú và nghi thức tôn giáo để trục xuất những linh hồn tà ác, được cho là nguyên nhân gây ra hành vi bất thường.

Các triệu chứng của người bệnh được lý giải theo quan điểm thần thoại, nơi linh hồn ác quấy nhiễu hoặc nhập vào cơ thể của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường không có cơ sở khoa học, các cách chữa trị dựa trên việc làm hài lòng thần linh hoặc đuổi tà ma, thường kết hợp các yếu tố mê tín với tôn giáo, ví dụ như sử dụng bùa chú, các bài thuốc thảo dược kết hợp với nghi lễ tế lễ.

Tiếp đó là bước chuyển sang cách tiếp cận tự nhiên của người Hy Lạp. Sự chuyển đổi trong tư duy được tiên phong bởi Hippocrates và bốn thể dịch. Hippocrates (khoảng thế kỷ thứ 5 TCN) là một nhà y học tiên phong trong việc giải thích các rối loạn tinh thần không qua lăng kính tâm linh. Ông cho rằng sức khỏe con người phụ thuộc vào sự cân bằng của bốn thể dịch trong cơ thể: máu, đờm, mật đen, mật vàng. Sự mất cân bằng trong các thể dịch này dẫn đến các bệnh lý, bao gồm cả các rối loạn tâm thần. Ví dụ: quá nhiều mật đen có thể gây trầm cảm hoặc các hành vi bất thường.

Cách tiếp cận của Hippocrates đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử y học khi lần đầu tiên các rối loạn tinh thần được coi là kết quả của yếu tố sinh học thay vì siêu nhiên. Đây là một trong những nỗ lực sớm nhất để gắn kết các triệu chứng tâm thần với cơ chế hoạt động của cơ thể. Dù mang tính cách mạng, lý thuyết bốn thể dịch vẫn dựa trên quan sát hạn chế và thiếu hiểu biết về giải phẫu thần kinh. Tuy nhiên, nó tạo nền tảng cho các nghiên cứu y học sau này.

Tóm lại, quan niệm thời cổ đại đã mang đến những tác động lâu dài, cùng sự khởi nguồn cho các hướng tiếp cận mới. Những cách lý giải thần bí về rối loạn tinh thần đã tồn tại hàng thế kỷ, ngay cả sau khi lý thuyết của Hippocrates ra đời. Niềm tin rằng bệnh nhân bị quỷ ám hoặc chịu sự trừng phạt thần linh dẫn đến nhiều hành động cực đoan như tôn thờ hoặc cách ly bệnh nhân và thực hành mê tín. Một số người được coi là trung gian giữa con người và thần linh, trong khi số khác bị xa lánh hoặc trừng phạt. Các nghi thức trừ tà và nghi lễ tôn giáo trở thành cách phổ biến để “chữa trị,” mặc dù không mang lại hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, quan điểm thần bí vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cách nhìn nhận rối loạn tâm thần trong nhiều thế kỷ sau, đặc biệt là trong thời Trung cổ.

2. Thời Trung cổ đến Thời Khai sáng: Sự điên loạn và huyền bí

Có thể nói, tâm thần phân liệt được nhìn nhận dưới lăng kính tôn giáo và tín ngưỡng huyền bí ở Châu Âu. Thời Trung cổ, châu Âu là một xã hội tôn giáo sâu sắc, nơi Giáo hội Thiên Chúa đóng vai trò trung tâm trong mọi khía cạnh đời sống. Các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác, hoặc hành vi kỳ lạ thường không được coi là vấn đề y học mà được gắn liền với siêu nhiên. Người mắc bệnh bị cho là đang chịu sự trừng phạt của Chúa vì những lỗi lầm đạo đức, tội lỗi hoặc vi phạm giáo lý.

Quan điểm này đã tạo ra các phương pháp điều trị mang tính trừng phạt hoặc thanh tẩy. Nghi thức trừ tà là cách chữa trị phổ biến, trong đó linh mục thực hiện các nghi lễ để đuổi quỷ khỏi người bệnh. Giam giữ và cách ly cũng được sử dụng, khi những người mắc triệu chứng kỳ lạ thường bị tách biệt khỏi cộng đồng, đôi khi bị coi như mối đe dọa. Hay thậm chí là xử tử, người bệnh có thể bị hành quyết trong các trường hợp nghiêm trọng, nhất là khi bị cáo buộc là phù thủy hoặc dị giáo.

Bệnh viện Bedlam chính là hình ảnh đại diện cho sự đối xử phi nhân đạo. Thành lập năm 1247 ở London, Bệnh viện Bedlam (tên đầy đủ là Bethlehem Royal Hospital) là một trong những cơ sở đầu tiên dành cho người bị rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, thay vì được chăm sóc, bệnh nhân ở đây thường phải chịu đựng những điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt. Nhiều người bị nhốt trong các phòng giam tối tăm, mất vệ sinh và thường bị đối xử như tù nhân thay vì bệnh nhân.

Các hành vi kỳ lạ của bệnh nhân không được hiểu đúng mà thường bị biến thành trò tiêu khiển cho người ngoài. Công chúng có thể trả tiền để vào xem bệnh nhân, biến bệnh viện trở thành nơi vừa bị kỳ thị vừa là chốn thu lợi nhuận. Đây là minh chứng điển hình cho cách mà xã hội lúc bấy giờ đối xử với người bệnh tâm thần: thiếu đồng cảm, thiếu hiểu biết và phi nhân đạo.

Trái ngược với cách tiếp cận trừng phạt của châu Âu, nhiều xã hội bản địa hoặc phi phương Tây coi những người có các triệu chứng giống tâm thần phân liệt là những cá nhân đặc biệt. Những người này thường được coi là nhà thần bí, pháp sư, hoặc người có khả năng kết nối với thế giới linh hồn. Hay trong nhiều nền văn hóa, ảo giác hoặc hành vi khác thường không bị coi là rối loạn mà là biểu hiện của sự thông thái hoặc sức mạnh siêu nhiên. ****Người bệnh thường được tôn kính và giao cho các nhiệm vụ tâm linh như thực hiện nghi lễ, chữa bệnh bằng phép thuật hoặc giao tiếp với tổ tiên. Quan điểm này mang tính hòa nhập hơn, giúp người mắc triệu chứng duy trì vai trò tích cực trong cộng đồng thay vì bị cô lập.

Nhìn chung, thời Trung cổ đến Thời Khai sáng là giai đoạn mà nhận thức về rối loạn tâm thần chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tín ngưỡng và sự mê tín. Tuy nhiên, sự tồn tại của các quan điểm đa dạng trên toàn thế giới cho thấy rằng không phải tất cả các nền văn hóa đều có cách nhìn nhận tiêu cực về các triệu chứng giống tâm thần phân liệt. Bài học từ lịch sử nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng cảm, hiểu biết và khoa học trong việc hỗ trợ người bệnh tâm thần, thay vì kỳ thị hoặc trừng phạt họ.

3. Thế kỷ 19: Sự thể chế hóa và tâm thần học sơ khai

Trước thế kỷ 19, các rối loạn tâm thần, bao gồm các triệu chứng giống tâm thần phân liệt, thường được giải thích thông qua mê tín, tín ngưỡng hoặc các lý do siêu nhiên. Sang thế kỷ 19, sự phát triển của y học và tâm lý học mở đường cho cách nhìn nhận khoa học hơn về bệnh tâm thần.

Đây là thời kỳ mà các bác sĩ và nhà khoa học bắt đầu tập trung nghiên cứu nguyên nhân và triệu chứng của các rối loạn tâm thần, thay vì chỉ tìm cách kiểm soát hành vi bệnh nhân. Hệ thống trại tâm thần quy mô lớn được thiết lập để cung cấp một môi trường cách ly và điều trị cho người mắc bệnh tâm thần, cung cấp nơi trú ẩn cho người bệnh và giảm kỳ thị từ xã hội. Đây là một bước đi quan trọng trong việc tách biệt người bệnh tâm thần khỏi nhà tù hoặc các môi trường trừng phạt khác. Tuy nhiên, môi trường trong các trại tâm thần không thực sự hỗ trợ cho việc hồi phục. Bệnh nhân thường bị cô lập trong điều kiện tồi tệ, thiếu sự chăm sóc cá nhân hóa. Nhiều nơi biến thành nơi giam giữ hơn là cơ sở y tế, và người bệnh thường bị xem như đối tượng cần kiểm soát hơn là cần được chữa trị.

Ngoài ra, những triệu chứng của tâm thần phân liệt chưa được định danh rõ ràng, mà thường được gộp chung dưới các thuật ngữ như “điên loạn” hoặc “bệnh điên”. Điều này khiến các phương pháp điều trị không có định hướng, dẫn đến việc thử nghiệm các biện pháp không dựa trên căn cứ khoa học. Người bệnh tâm thần bị kỳ thị nặng nề và thường bị xem là gánh nặng xã hội, làm cản trở sự phát triển của các liệu pháp mang tính nhân văn hoặc hướng đến sự hồi phục. Các phương pháp điều trị thô sơ bao gồm phẫu thuật cắt bỏ thuỳ não (lobotomy) hay liệu pháp sốc (sử dụng điện hoặc insulin để gây co giật).

Lobotomy được giới thiệu như một cách để “kiểm soát” những hành vi cực đoan của bệnh nhân tâm thần. Phẫu thuật này sẽ cắt đứt các liên kết thần kinh trong não, hy vọng làm giảm bớt các triệu chứng nặng như hoang tưởng hoặc hành vi bạo lực. Nhưng Lobotomy gây ra những tổn thương vĩnh viễn, làm suy giảm khả năng tư duy, cảm xúc và thậm chí làm mất hoàn toàn khả năng tự chủ của bệnh nhân. Dù phổ biến trong một thời gian ngắn, phương pháp này nhanh chóng bị chỉ trích vì tính phi nhân đạo và hậu quả tàn phá nó gây ra.

Có thể thấy, thế kỷ 19, với sự thể chế hóa và các phương pháp điều trị sơ khai, là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử tâm thần học. Dù tồn tại nhiều sai lầm, giai đoạn này đánh dấu bước chuyển mình từ cách tiếp cận dựa trên tín ngưỡng sang cách tiếp cận khoa học, đặt nền móng cho các nghiên cứu và tiến bộ sau này.

4. Thế kỷ 20: Những bước tiến lớn trong nghiên cứu tâm thần phân liệt

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ngành tâm thần học đạt được bước tiến quan trọng trong việc định nghĩa và phân loại các rối loạn tâm thần. Trong đó, Emil Kraepelin và Eugen Bleuler là hai nhân vật đóng vai trò nền tảng, giúp đặt nền móng cho việc nghiên cứu tâm thần phân liệt hiện đại.

4.1. Emil Kraepelin: “Dementia Praecox” – Chứng mất trí sớm

Vào thập niên 1890, Kraepelin mô tả một nhóm các triệu chứng đặc trưng bao gồm suy giảm nhận thức, rối loạn cảm xúc và hành vi, thường xuất hiện ở tuổi thanh niên. Ông gọi nhóm triệu chứng này là “dementia praecox” (tiếng Latinh, nghĩa là “chứng mất trí sớm”).

Kraepelin phân loại các rối loạn tâm thần dựa trên nguyên nhân và tiến trình bệnh lý thay vì chỉ dựa vào triệu chứng. Điều này giúp ông nhận ra rằng một số bệnh tâm thần có diễn biến mãn tính, dần dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng. Kraepelin tin rằng dementia praecox có nguyên nhân sinh học, đặc biệt là những tổn thương hoặc bất thường trong hệ thần kinh trung ương.

Có thể nói, khái niệm dementia praecox đã định hình cách nhìn nhận về tâm thần phân liệt như một căn bệnh mãn tính, nghiêm trọng, khác biệt với các rối loạn tâm thần tạm thời như rối loạn tâm lý chức năng (functional psychosis) hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Tuy nhiên, hạn chế trong lý thuyết của Kraepelin là ông nhấn mạnh quá mức vào tính suy thoái của bệnh, khiến dementia praecox bị hiểu nhầm như một dạng “mất trí nhớ không thể phục hồi”.

4.2. Eugen Bleuler: Đặt tên và mở rộng quan điểm về tâm thần phân liệt

Năm 1911, Bleuler đặt ra thuật ngữ “schizophrenia” (tâm thần phân liệt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, với “schizo” có nghĩa là chia rẽ và “phren” nghĩa là tâm trí. Bleuler dùng thuật ngữ này để mô tả sự “phân rã” giữa các chức năng tâm lý như tư duy, cảm xúc và hành vi ở bệnh nhân. Điều này phản ánh sự khác biệt so với cách tiếp cận của Kraepelin. Thay vì nhấn mạnh vào sự suy thoái không thể đảo ngược, Bleuler cho rằng tâm thần phân liệt có thể có những mức độ khác nhau và không phải lúc nào cũng dẫn đến suy thoái hoàn toàn.

Nhằm hệ thống hóa các đặc điểm cốt lõi của rối loạn này, Bleuler giới thiệu khái niệm “bốn A”:

  • Affect (Rối loạn cảm xúc): Cảm xúc của bệnh nhân trở nên không phù hợp với hoàn cảnh, chẳng hạn như vừa khóc vừa cười hoặc tỏ ra lãnh đạm trước các sự kiện quan trọng. Đây là biểu hiện của sự tách rời giữa cảm xúc và thực tế xung quanh.
  • Autism (Rút lui khỏi xã hội): Bệnh nhân thường rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội, chìm đắm trong thế giới nội tâm của riêng mình. Hiện tượng này được Bleuler mô tả như một trạng thái tự cô lập, nơi bệnh nhân không còn quan tâm đến xã hội hoặc không thể giao tiếp bình thường.
  • Associations (Rối loạn tư duy): Quá trình tư duy trở nên rời rạc, thiếu logic hoặc liên kết bất thường. Ví dụ, bệnh nhân có thể nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác mà không có sự liên kết hợp lý. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của tâm thần phân liệt và thường được nhận biết qua lời nói hoặc hành vi.
  • Ambivalence (Mâu thuẫn trong cảm xúc và quyết định): Bệnh nhân thường trải qua trạng thái mâu thuẫn, không thể quyết định hoặc đồng thời cảm thấy yêu và ghét đối với cùng một người hoặc sự việc. Tình trạng này làm tăng sự bất ổn trong cảm xúc và hành vi của họ.

Kết luận

Từ những lý giải siêu nhiên trong thời cổ đại đến các khám phá khoa học trong thời hiện đại, tâm thần phân liệt đã trải qua một hành trình dài trong nhận thức của con người. Ngày nay, nhờ những đóng góp của các nhà khoa học như Emil Kraepelin và Eugen Bleuler, chúng ta đã có cách tiếp cận toàn diện hơn để hiểu và điều trị rối loạn phức tạp này.

Tâm thần phân liệt không chỉ là một vấn đề y học, mà còn phản ánh sự tiến hóa trong nhận thức của con người về tâm trí và sức khỏe tâm thần.