Đối mặt với kỳ thị xã hội

Phân biệt và kỳ thị đối với bệnh tâm thần phân liệt nói chung

Trong xã hội hiện đại, các vấn đề về tâm bệnh, loạn thần ngày càng trở nên phổ biến hơn, tuy nhiên để chấp nhận vấn đề này là điều không dễ dàng. Sở dĩ nói như vậy vì các định kiến về sức khoẻ tâm thần, nhất là đối với tâm thần phân liệt vẫn còn rất nặng nề, những người mắc tâm thần phân liệt thường bị phân biệt đối xử, kì thị trong cuộc sống. Làm cho những khó khăn của bản thân người bệnh và người nhà bệnh nhân càng bị nhân đôi. Một mặt họ phải đương đầu với chính rối loạn của mình, đương đầu với các triệu chứng của người thân, mặt khác phải đối diện với cái nhìn của xã hội.

Những người mắc tâm thần phân liệt thường bị gán cho những cụm từ như: nguy hiểm, bạo lực, điên, mất trí, khác người, bệnh không bao giờ khỏi được, cần phải tránh xa…

Chính vì những lý do trên mà người mắc tâm thần phân liệt bị tước đi cơ hội có 1 cuộc sống chất lượng và những định kiến càng làm cho những rối loạn của họ ngày càng nặng nề hơn, làm cản trở hoặc trì hoãn cơ hội được chữa trị. Người có tâm thần phân liệt dễ bị mắc vào vòng bệnh tật- đói nghèo.

Có 2 loại định kiến:

  • Định kiến công cộng: là phản ứng của cộng đồng đối với người bệnh
  • Tự định kiến: là tự thành kiến mà người có tâm thần phân liệt tự dán nhãn cho bản thân, họ né tránh, nghĩ mình kém cỏi, vô dụng. Họ xấu hổ về bản thân (thường có trong giai đoạn khởi bệnh)

Truyền thông truyền thống, phim ảnh, mạng xã hội góp phần làm dày thêm định kiến bằng những hình ảnh, thước phim về người mắc tâm thần phân liệt khiến cho xã hội có suy nghĩ, cảm giác rằng người có tâm thần phân liệt rất nguy hiểm, đáng sợ.

Hậu quả tiêu cực của định kiến và kì thị tâm thần phân liệt:

  • Trì hoãn tìm kiếm hỗ trợ và trị liệu
  • Thiếu sự quan tâm của gia đình, bạn bè,…
  • Thiếu cơ hội công việc, học tập, các hoạt động xã hội,…
  • Bị bắt nạt, quấy rối hoặc bạo hành
  • Không được hưởng các phúc lợi xã hội như: BHXH, các trợ cấp XH,…
  • Làm người bệnh (khi còn ý thức) có suy nghĩ tiêu cực về tình trạng của mình, làm tình trạng bệnh ngày 1 tệ hơn. (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)

Gia đình có yếu tố tâm thần phân liệt đối mặt với phân biệt và kì thị

Thu hẹp phạm vi về cuộc sống gia đình có người mắc tâm thần phân liệt, những định kiến và kì thị đã tác động đến những gia đình có tâm thần phân liệt như thế nào?

Họ phải đối mặt với kì thị đến từ những người xung quanh khi có người thân mắc tâm thần phân liệt. Phân biệt đối xử đến từ khắp nơi trong xã hội, từ hàng xóm, họ hàng đến bạn bè, đồng nghiệp. Truyền thông cũng vô tình tiếp tay cho những định kiến lệch lạc về bệnh và những thông tin đó dễ dàng đập vào mắt những người có yếu tố gia đình tâm thần phân liệt, hay thậm chí, các bác sĩ ở các bệnh viện cũng có những sự phân biệt nhất định (Von Kardorff et al., 2016). Trong nghiên cứu về sự kì thị ở nước CH Sec trong bệnh viện, người ta cho biết các bác sĩ thường bôi thuốc sát khuẩn cho bệnh nhân tâm thần phân liệt nhiều hơn các bệnh nhân khác (Krupchanka et al., 2018).

Cơ hội nghề nghiệp cũng sẽ giảm đi khi họ phải hy sinh khá nhiều thời gian để chăm sóc người bệnh hoặc đôi khi nó cũng đến từ sự phân biệt ở cơ quan/công ty. Chính điều này cũng đã khiến họ đối mặt với khó khăn tài chính khi bị giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập để trang trải sinh hoạt phí cho bản thân và gánh nặng chăm lo cho người phụ thuộc (Von Kardorff et al., 2016).

Chính những áp lực này cùng với sự thiếu hiểu biết về bệnh khiến những người thân này ngày càng có xu hướng khuếch đại sự bất lực, chán nản, bế tắc trước người thân có tâm thần phân liệt của mình (Reine et al., 2003) (Lincoln et al., 2006)

Một trong những kì thị trong gia đình đó là cảm xúc. Nó bắt nguồn từ những giai đoạn đầu của bệnh, người mắc tâm thần phân liệt bị sốc, thiếu chuẩn bị tinh thần, thiếu hiểu biết và kiến thức về những gì đang xảy ra với họ. Nó khiến cho bệnh nhân có cảm giác tội lỗi tràn ngập, tự trách mình, và liên tục cố gắng giải thích nguồn gốc của căn bệnh như một sai lầm cá nhân (Krupchanka et al., 2018).

Ngay cả trong một gia đình cũng có những ví dụ về định kiến đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt, chẳng hạn như nhận thức về tâm thần phân liệt là truyền nhiễm. Tương tự như những định kiến trong xã hội, một số thành viên trong gia đình thể hiện nỗi sợ hãi về sự nguy hiểm của tâm thần phân liệt, tin vào sự không đáng tin cậy và không có khả năng của người thân mắc tâm thần phân liệt, hoặc tránh xa người đó. Trong các câu trả lời của người thân bệnh nhân có người vợ nói rằng cô ấy không dám đưa con cho người chồng mắc tâm thần phân liệt của mình vì rất sợ hãi. Hoặc trong 1 trường hợp khác thì anh con trai đầu lòng cho rằng tâm thần phân liệt là bệnh truyền nhiễm nên đã quyết định không liên lạc với bố mình, thậm chí còn không dám liên lạc với người đang ở gần bố mình (Krupchanka et al., 2018).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Krupchanka, D., Chrtková, D., Vítková, M., Munzel, D., Čihařová, M., Růžičková, T., Winkler, P., Janoušková, M., Albanese, E., & Sartorius, N. (2018). Experience of stigma and discrimination in families of persons with schizophrenia in the Czech Republic. Social Science & Medicine, 212, 129–135. https://doi.org/10.1016/j.socscimed.2018.07.015

Lincoln, T. M., Lullmann, E., & Rief, W. (2006). Correlates and Long-Term Consequences of Poor Insight in Patients With Schizophrenia. A Systematic Review. Schizophrenia Bulletin, 33(6), 1324–1342. https://doi.org/10.1093/schbul/sbm002

PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Đ., Thu Hà, H., & Bahr Weiss. (2022). Tâm bệnh học. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Reine, G., Lancon, C., Simeoni, M. C., Duplan, S., & Auquier, P. (2003). [Caregiver burden in relatives of persons with schizophrenia: An overview of measure instruments]. L’Encephale, 29(2), 137–147.

Von Kardorff, E., Soltaninejad, A., Kamali, M., & Eslami Shahrbabaki, M. (2016). Family caregiver burden in mental illnesses: The case of affective disorders and schizophrenia – a qualitative exploratory study. Nordic Journal of Psychiatry, 70(4), 248–254. https://doi.org/10.3109/08039488.2015.1084372