Các bệnh đồng mắc
thường gặp đi kèm TTPL

Trầm cảm

Tỷ lệ mắc trầm cảm ở người có TTPL cao. Tình trạng này có thể nặng hơn khi người có TTPL đang ở giai đoạn tiền triệu, đặc biệt là khi họ đang nghi ngờ về các triệu chứng mới có của mình, hoặc mới ra khỏi giai đoạn loạn thần cấp tính và nhận ra bệnh trạng của mình. Trầm cảm cũng có thể xuất hiện ở người có bệnh TTPL lâu ngày dù họ có ý thức về bệnh hay không, do tuyệt vọng về tương lai, cảm thấy không được tin tưởng hỗ trợ, hoặc mặc cảm mình là người bệnh. Trầm cảm có thể là yếu tố dự báo tăng khả năng tự tử ở người bị bệnh.

Triệu chứng của trầm cảm khá giống triệu chứng âm tính của TTPL (mất động lực, mất niềm vui, thu rút xã hội, cùn mòn cảm xúc), nên cần có chẩn đoán chính xác để có cách điều trị phù hợp (ví dụ như các thuốc cho trầm cảm sẽ không có tác dụng cho triệu chứng âm tính, thậm chí làm nặng hơn). Ngược lại, giai đoạn tiền triệu của TTPL với các đặc điểm thu rút xã hội, mất động lực, suy giảm nhận thức… cũng có thể bị lầm là trầm cảm.

Ngoài ra, trầm cảm nặng cũng có thể dẫn đến loạn thần, trong trường hợp này loạn thần không phải là triệu chứng của tâm thần phân liệt và sẽ không đáp ứng các cách điều trị TTPL. Gia đình nên đưa đi chẩn đoán để có kết luận chính xác nhất. Nếu ngại bệnh viện tâm thần, có thể bắt đầu từ các cơ sở điều trị tâm lý để có cách nói chuyện dễ chịu hơn và bớt ngại ngần cho bệnh nhân.

Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực cũng là một bệnh thường gặp chung với tâm thần phân liệt. Trên thực tế, dựa vào các biểu hiện triệu chứng, đáp ứng thuốc, tỷ lệ đồng mắc và yếu tố di truyền, hiện nay người ta cho rằng rối loạn lưỡng cực là mắt xích đứng giữa trong một phổ liên tục đi từ trầm cảm-rối loạn lưỡng cực-tâm thần phân liệt. Rối loạn lưỡng cực có thể là một trong các nguyên do dẫn đến các tình trạng kích động, hung dữ, gây hấn ở người bệnh TTPL.

Mặt khác, pha hưng cảm của rối loạn lưỡng cực cũng có thể gây ra các biểu hiện loạn thần. Trong trường hợp này cũng vậy, nên đi chẩn đoán để có kết luận và hướng điều trị tốt nhất.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có tỷ lệ đồng mắc cao với TTPL. Mặt khác, không phải các biểu hiện ý nghĩ ám ảnh, lặp lại nào cũng là chung cho cả rối loạn ám ảnh cưỡng chế và TTPL. Đối với người có chứng ám ảnh cưỡng chế, họ nhận thức được tính phi thực tế của suy nghĩ của mình nhưng không có cách gạt đi. Đối với người có TTPL, ý nghĩ của họ chính là thực tế của họ.

Nên đi chẩn đoán chuyên môn để có kết luận và hướng điều trị tốt nhất.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Những người mắc chứng tâm thần phân liệt thường biểu hiện các triệu chứng của các rối loạn khác như ADHD từ tuổi vị thành niên. Ngoài ra, khả năng mắc tâm thần phân liệt khi trưởng thành ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc ADHD cũng cao hơn hẳn so với những người không mắc ADHD.

Năm 2021 một nghiên cứu về mối liên hệ giữa ADHD và nguy cơ mắc phải các rối loạn loạn thần (do Thạc sĩ/Bác sĩ Mikail Nourrendine và các đồng sự thực hiện) ở trẻ em và thanh thiếu niên đã chỉ ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên mắc ADHD có nguy cơ phát triển chứng tâm thần phân liệt khi trưởng thành cao hơn 4,3 lần so với người không mắc ADHD. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi và can thiệp sớm đối với các đối tượng có biểu hiện ADHD trong thời kỳ vị thành niên.

Yếu tố di truyền đóng vai trò lớn trong cả hai chứng rối loạn này. Người có họ hàng gần mắc tâm thần phân liệt có nhiều khả năng mắc ADHD hơn, và ngược lại, người thân của người mắc ADHD cũng có nguy cơ cao hơn mắc tâm thần phân liệt. Nghiên cứu cho thấy rằng 80% trường hợp mắc tâm thần phân liệt và từ 60 đến 80% trường hợp ADHD có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này chỉ ra rằng hai chứng bệnh này có thể chia sẻ chung một số yếu tố di truyền.

Một điểm thú vị trong mối liên hệ giữa ADHD và tâm thần phân liệt là khoảng 10% người mắc ADHD cho biết họ có các triệu chứng loạn thần – điều này không phổ biến với đa số người mắc ADHD. Một số giả thuyết cho rằng việc sử dụng các loại thuốc kích thích để điều trị ADHD có thể kích hoạt triệu chứng loạn thần ở một số bệnh nhân.

Hiện tại chưa có cách phòng ngừa hoàn toàn ADHD hay tâm thần phân liệt, nhưng phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu tác động của cả hai chứng bệnh này. Mối liên hệ giữa ADHD và tâm thần phân liệt vẫn đang được nghiên cứu sâu rộng, và việc hiểu rõ hơn về các yếu tố liên quan sẽ mở ra nhiều cơ hội để cải thiện phương pháp điều trị và chăm sóc cho người bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4332163

https://www.medicalnewstoday.com/articles/schizophrenia-depression

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5605248/

https://www.healthline.com/health/schizophrenia/schizophrenia-and-ocd#comorbidity

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC10105491

https://psychcentral.com/schizophrenia/ocd-and-schizophrenia

https://www.medicalnewstoday.com/articles/314464#causes

https://jamanetwork.com/journals/jamapsychiatry/fullarticle/2776916

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0924933813000783?via%3Dihub