Kiến thức cơ bản
Triệu chứng TTPL theo cẩm nang DSM-5
DSM-5 sẽ đưa ra tiêu chí chẩn đoán chung cho các dạng bệnh theo các đầu mục A, B, C, D, E…, liệt kê các đặc điểm, triệu chứng bệnh và các ca ví dụ mẫu. Có thể dựa vào DSM-5 chẩn đoán một số bệnh thuộc “nhóm tâm thần phân liệt và các rối loạn loạn thần khác” như sau (12 bệnh)
- Rối loạn hoang tưởng
- Loạn thần ngắn
- Loạn thần dạng phân liệt
- Tâm thần phân liệt
- Loạn thần dạng rối loạn khí sắc
- Loạn thần do ảnh hưởng của chất liệu/ dược liệu
- Loạn thần do tác động của điều kiện y học
- Trương căng phối hợp với rối loạn tâm thần khác
- Trương căng do tác động của điều kiện y học
- Trương căng không định rõ
- TTPL dạng đặc biệt và các rối loạn loạn thần khác
- TTPL dạng không định rõ và các rối loạn loạn thần khác
Cụ thể, đối với TTPL thì DSM-5 đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm:
A. Có ít nhất là 3 triệu chứng xuất hiện trong thời gian ít nhất 1 tháng. Buộc phải có triệu chứng (1) hoặc (2) hoặc (3)
- Hoang tưởng
- Ảo giác
- Lời nói mất tổ chức
- Hành vi mất tổ chức nặng nề hoặc căng trương lực
- Các triệu chứng âm tính như cùn mòn cảm xúc, vô cảm hay lý lẫn tâm thần
B. Phần lớn thời gian kể từ khi phát bệnh, bệnh nhân bị suy giảm chức năng đáng kể ở 1 hoặc nhiều lĩnh vực so với trước khi phát bệnh: công việc, các mối quan hệ, các vấn đề tự chăm sóc
C. Các dấu hiệu liên tục của rối loạn kéo dài tối thiểu là 6 tháng. Trong 6 tháng này bao gồm là có các triệu chứng trong tiêu chuẩn A trong vòng 1 tháng trong thời gian toàn phát, hoặc có thể có triệu chứng của pha tiền phát hoặc di chứng. Trong suốt pha tiền triệu hoặc di chứng, biểu hiện của rối loạn có thể chỉ là triệu chứng âm tính, hoặc có 2 hoặc hơn các triệu chứng của tiêu chuẩn A nhưng ở dạng bị suy yếu đi.
D. Rối loạn cảm xúc phân liệt, rối loạn trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực với các triệu chứng của loạn thần được loại trừ bởi vì hoặc: (1) không có giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm xảy ra đồng thời với các triệu chứng pha toàn phát; (2) Nếu pha cảm xúc xảy ra cùng với triệu chứng pha toàn phát thì chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn trong tổng thời gian của pha toàn phát hay di chứng
E. Rối loạn này không phải do tác động sinh lý trực tiếp của 1 chất hoặc do tình trạng của các bệnh thực thể khác
F. Nếu có tiền sử rối loạn phổ tự kỷ hoặc rối loạn giao tiếp khởi phát ở thời thơ ấu thì chẩn đoán tâm thần phân liệt chỉ được thêm vào khi có sự hiện diện rõ ràng của hoang tưởng hoặc ảo giác, cùng với các triệu chứng khác của TTPL trong thời gian tối thiểu là 1 tháng (hoặc ngắn hơn nếu điều trị tốt) (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022; TS. Phạm Toàn, 2021)
(Lưu ý: nhóm thực hiện chỉ nêu các tiêu chuẩn chẩn đoán cơ bản nhất, hoàn toàn không đầy đủ để chẩn đoán bệnh. Hơn nữa, những chẩn đoán này phải được thực hiện bởi các chuyên gia đủ trình độ chuyên môn, nếu bạn có nghi ngờ mắc bệnh thì hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Đ., Thu Hà, H., & Bahr Weiss. (2022). Tâm bệnh học. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
TS. Phạm Toàn. (2021). Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5. NXB Trẻ. https://www.nxbtre.com.vn/sach/huong-dan-chan-doan-tam-ly-tam-than-theo-dsm-5-145993.html