Kiến thức cơ bản
Nguyên nhân các chứng
loạn thần – tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một trong những rối loạn tâm thần nghiêm trọng và phức tạp nhất, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng suy nghĩ, cảm nhận và hành xử của người bệnh. Mặc dù các nhà khoa học và chuyên gia đã có nhiều nghiên cứu sâu rộng, nguyên nhân chính xác của tâm thần phân liệt vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã được xác định là có liên quan, tạo nên một bức tranh toàn diện và đa chiều về căn bệnh này.
Bệnh tâm thần phân liệt được cho là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường. Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng, khi nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn ở những người có thành viên gia đình từng bị rối loạn này. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng các hóa chất trong não, đặc biệt là dopamine, cũng được xem là yếu tố góp phần làm thay đổi chức năng của não bộ. Ngoài ra, các tác động từ môi trường như stress, chấn thương tâm lý, hoặc tiếp xúc với các yếu tố bất lợi trong thai kỳ cũng được cho là làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh.
Hiểu được nguyên nhân của tâm thần phân liệt không chỉ giúp nâng cao nhận thức về căn bệnh mà còn là cơ sở để phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và gia đình họ.
NGUYÊN NHÂN CHÍNH
CÁC YẾU TỐ VỀ GEN
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì yếu tố gen đóng vai trò quan trọng trong việc mắc bệnh, nhưng các tác động của gen khá phức tạp, do đó hiện nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào có thể khẳng định chắc chắn cơ chế tác động của gen đến việc hình thành bệnh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy tâm thần phân liệt là kết quả của sự tác động nhiều gen khác nhau kết hợp lại, những gen đơn lẻ hoàn toàn không đủ khả năng cấu thành bệnh.
Thông qua các kết luận của các nghiên cứu khoa học thì vẫn nhận thấy điểm chung đó là họ đều cho rằng các anh chị em sinh đôi cùng trứng có nguy cơ di truyền cao nhất. Trong các gia đình, các thành viên càng gần huyết thống cũng cho thấy tỷ lệ cùng mắc cao. (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
Hình: Nguy cơ mắc tâm thần phân liệt theo quan hệ di truyền (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022) (Phạm Toàn, 2023)
CHẤT DẪN TRUYỀN THẦN KINH
Các bất thường về mặt sinh hoá ở 1 số chất dẫn truyền thần kinh cũng được cho là yếu tố nguyên nhân dẫn đến tâm thần phân liệt. Đó là các chất dopamine, serotonin, GABA và glutamate, trong đó dopamine được cho là có vai trò quan trọng. (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
Dopamine
Tâm thần phân liệt được cho là kết quả của sự hoạt động dopamine quá mức ở những vùng nhất định trong não bộ, nếu được sản sinh ra quá nhiều có thể dẫn đến ảo giác. Ngoài ra, dopamine còn được cho rằng có liên quan đến các triệu chứng âm tính và dương tính khác của bệnh (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
Dopamine chủ yếu được tổng hợp từ Tyrosine, có trong các sản phẩm từ chocolate, phomai và các sản phẩm từ sữa.
GABA
Một số nghiên cứu cho thấy rằng sự dẫn truyền GABA bất thường trong não có thể liên quan đến các vấn đề về nhận thức, cảm xúc, cảm giác và vận động ở những người bị tâm thần phân liệt.
GABA ảnh hưởng đến việc phân bổ sự chú ý, dự đoán, ra quyết định, kiểm soát xung lực và cảm xúc.Những khác biệt này đặc biệt rõ rệt ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt giai đoạn đầu tiên (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
Glutamate
Một đánh giá về tài liệu của Szumlinski & Kippin (2008) giải thích rằng những bất thường glutamate này trong tâm thần phân liệt gây ra chứng giảm hoạt động thùy trán trước (hypofrontality ), hoặc giảm hoạt động và kích hoạt vỏ não.
Chứng giảm hoạt động thùy trán trước (hypofrontality ) trong bệnh tâm thần phân liệt được cho là nguyên nhân gây ra các triệu chứng âm tính và suy giảm nhận thức , có thể góp phần gây ra kết quả xã hội kém (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
Serotonin
Đã có những giả thuyết cho rằng serotonin trong vỏ não có liên quan đến tâm thần phân liệt và sẽ khác nhau tuỳ theo giới tính.
Chức năng của serotonin được biết là có liên quan đến hành vi hung hăng nói chung, cũng có thể liên quan đến sự hung hăng ở những người bị tâm thần phân liệt.Ngoài ra, serotonin còn có thể làm tăng tính nhạy cảm và liên quan đế hành vi tự tử ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
NÃO BỘ
Những cá nhân mắc tâm thần phân liệt giảm trọng lượng của vỏ não và các khu vựa khác của não (Haijma et al., 2013). Nghiên cứu ở nhóm trẻ vị thành niên mắc tâm thần phân liệt và không mắc tâm thần phân liệt trong 6 năm cho thấy có sự mất đi đáng kể các tế bào thần kinh ở vỏ não. Anh chị em khoẻ mạnh của trẻ mắc tâm thần phân liệt từ nhỏ cũng có sự mất mát tương tự ở vỏ não (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
Cùng với những sự tổn thất của vỏ não và các khu vực khác thì não thất lại có xu hướng to ra, và đây có thể là chỉ số phát hiện sớm cho tâm thần phân liệt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những đặc điểm não bị mất mát như thế có thể dẫn đến những liên lạc yếu hoặc khác biệt giữa các vùng não, dẫn đến giảm chức năng tích hợp ở não và quá trình nhận thức. Chính vì sự liên lạc thiếu hiệu quả và giảm tích hợp này dẫn đến lời nói vô tổ chức, giảm trí nhớ, giảm kỹ năng ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề, các triệu chứng âm tính như thiếu động cơ, các triệu chứng dương tính như ảo giác hay hoang tưởng.(PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
Ngoài ra, những bất thường trong hệ thống limbic cũng đóng vai trò trong hình thành tâm thần phân liệt.
Tuy vậy, đến nay mối quan hệ giữa cấu trúc não và TTPL vẫn chưa được khẳng định chắc chắn vì:
- Những bất thường não này ở người mắc TTPL có thể là kết quả của việc sử dụng thuốc chống loạn thần
- Giãn nở não thất chỉ rõ ràng ở 1 số bệnh nhân TTPL
- Não thất giãn nở không chỉ thấy ở bệnh nhân TTPL mà còn có ở bệnh nhân mắc Alzheimer hoặc những người lạm dụng rượu (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
CÁC YẾU TỐ THAI SẢN
- Bất đồng nhóm máu Rh (yếu tố protein Rhesus) hoặc không tương thích yếu tố Rh là tình trạng cơ thể người mẹ và thai nhi có các yếu tố Rh khác nhau. Điều này xảy ra khi mẹ có nhóm máu Rh- nhưng em bé lại sở hữu nhóm máu Rh+. Không tương thích Rh gây ra các bệnh về máu cho trẻ mới sinh và cũng có liên quan đến nguy cơ cao về TTPL.
- Trong nghiên cứu của Hollister, Laing và Mednick (1996) cho thấy tỷ lệ TTPL khoảng 2.1 % ở nam không có tương thích Rh với mẹ, tỷ lệ này chỉ có 0.8% ở trẻ có Rh tương thích với mẹ.
- Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra sự không tương thích nhóm máu với mẹ có thể tăng nguy cơ bất thường của não bộ theo các dạng được tìm thấy ở TTPL
- Khó khăn lúc sinh nở: những người mắc TTPL thường có tỷ lệ có vấn đề trong thai kỳ và sinh nở như sinh non, sinh ngôi ngược, chuyển dạ lâu, sa dây rốn, ngạt, xuất huyết trong khi sinh…đều ảnh hưởng đến cung cấp oxy cho trẻ, gây tổn thương não bộ.
- Thiếu dinh dưỡng: mẹ thiếu axit folic hoặc sắt trong quá trình mang thai ảnh hưởng đến phát triển não bộ của trẻ, tăng nguy cơ TTPL ở con.
- Stress thai sản: nếu mẹ rất căng thẳng ở 3 tháng đầu thai kỳ hoặc đầu tam cá nguyệt thứ 2 thì nguy cơ TTPL của con sẽ tăng cao. Hooc-môn stress của mẹ sẽ đi đến con qua đường nhau thai, làm tác động tiêu cực đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi, tuy nhiên cơ chế này vẫn chưa được làm rõ.(PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
- Thiếu tiếp xúc với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nhiễm vi rút cúm, tiền sản giật, nhiễm trùng huyết của người mẹ trong khi sinh và sau sinh, tất cả đều làm tăng nguy cơ phát triển tâm thần phân liệt sau đó ở con cái. Một điều khá bất ngờ, nguy cơ lớn nhất được thể hiện trong nghiên cứu này là do người mẹ bị nhiễm vi-rút cúm (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
ẢNH HƯỞNG TỪ CÁC ĐẠI DỊCH
Các nghiên cứu ở Thụy Điển phát hiện ra rằng nhiễm virus của hệ thần kinh trung ương làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển tâm thần phân liệt.
Các tác giả kết luận rằng có mối liên quan giữa nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do virus nghiêm trọng ở trẻ em với các virus có thể xâm nhập vào mô não thực tế. Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng sự tương tác của các gen được biết là có các biến thể liên quan đến tâm thần phân liệt và nhiễm virus có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tâm thần phân liệt (Beraki et al., 2005)
Virus corona đường hô hấp ở người cũng được biết là có tác động vào hệ thần kinh. Do đó, có thể có sự gia tăng tâm thần phân liệt trong tương lai do đại dịch COVID-19 (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020).
CÁC NGUYÊN NHÂN TÂM LÝ- XÃ HỘI
Suy giảm nhận thức từ trước là một đặc điểm quan trọng trong số những người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Các nghiên cứu về nhận thức ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt được phân ra: nhận thức phi xã hội và nhận thức xã hội.
Nhận thức phi xã hội bao gồm tốc độ xử lý, học tập và trí nhớ không gian bằng lời nói và thị giác, trí nhớ làm việc, chú ý/cảnh giác, và lý luận/giải quyết vấn đề. Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hiện sự suy giảm trong tất cả các lĩnh vực nhận thức này cũng như có sự suy giảm về nhận thức. Các khiếm khuyết nhận thức đi kèm với bệnh tâm thần phân liệt có tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động của những người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Chức năng giảm ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt bao gồm khả năng tự chăm sóc bản thân, làm việc và duy trì công việc và khả năng tiếp thu các kỹ năng quan trọng liên quan đến phục hồi chức năng
Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ phổ biến ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt và điều này ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Tốc độ xử lý và ức chế có liên quan đến chứng mất ngủ và chứng mất ngủ có liên quan đến suy giảm nhận thức ở những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. Điều này cho thấy rằng việc điều trị rối loạn giấc ngủ có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức ở những người bị tâm thần phân liệt (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
Quan trọng hơn, những cá nhân mắc tâm thần phân liệt có một số đặc điểm trước khi mắc bệnh như các vấn đề về nhận thức, cách sống, đặc điểm bộc lộ trong các mối quan hệ xã hội khiến hình thành tâm thần phân liệt điển hình như:
- Những người thiếu thấu cảm, chỉ tập trung vào suy nghĩ và cảm xúc của mình, có xu hướng giảm tương tác xã hội
- Những người có xu hướng ít bộc lộ điệu bộ, cử chỉ khi nói chuyện và thể hiện sự ít lắng nghe (gật đầu, nhìn vào mắt, biểu lộ cảm xúc…) hơn so với người bình thường. Điều này ảnh hưởng đến phát triển quan hệ cá nhân và kết nối tình cảm.
- Ở vị thành niên thì có thể thấy chức năng liên cá nhân kém trong thời kỳ này có thể dự báo các trải nghiệm kỳ lạ, bất bình thường về tri giác (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
Các nhà khoa học giải thích các vấn đề giao tiếp và thiếu nội quan, hiểu biết ở người mắc TTPL là do thiếu hụt trong lý thuyết tâm trí (Theory of mind)- đây là lý thuyết giúp nhận biết rằng người khác có tình cảm, niềm tin, mong muốn khác mình.
Một số quá trình nhận thức liên quan đến việc quy gán nguyên nhân và thái độ tiêu cực cũng được cho là dẫn đến hoặc duy trì sự hoang tưởng. Cụ thể như:
- Thiếu động lực, tình cảm hạn chế, thiếu đáp ứng tình cảm do niềm tin cốt lõi rằng bản thân vô giá trị, hoàn cảnh của mình vô vọng.
- Việc diễn giải các tình huống một cách tiêu cực cũng là nguyên nhân gây đau khổ và thiểu năng liên quan TTPL, thường sẽ gây ra các triệu chứng âm tính.
- Bị ngược đãi thời thơ ấu hoặc các stress khác cũng có thể làm thay đổi sự phát triển thần kinh, làm tăng mức độ nhạy cảm với tâm thần phân liệt, chẳng hạn như: sang chấn, bị bắt nạt, bạo hành, lạm dụng…
Expressed emotion- EE là khái niệm “tình cảm thể hiện” được Brown và cộng sự (1958) đưa ra để chứng minh môi trường gia đình gây căng thẳng cho bệnh nhân. Ông và cộng sự đã chứng minh được rằng những người trở về sau khi điều trị sống cùng cha mẹ, vợ chồng lại có nguy cơ tái phát cao hơn những bệnh nhân sống một mình hoặc sống với anh chị. EE là thước đo môi trường gia đình, dựa trên cách người thân nói chuyện với bệnh nhân, đa phần sẽ có những đối xử như sau:
- Chỉ trích: là thành phần quan trọng nhất phản ảnh việc không thích hoặc không đồng thuận với bệnh nhân
- Thù địch: đây là mức độ cao hơn của chỉ trích, thể hiện sự chối bỏ, oán hận với bệnh nhân.
- Quá can dự về mặt cảm xúc: thể hiện sự quá quan tâm, quá bảo vệ 1 cách kịch tính của người nhà đối với bệnh nhân.(PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
BỊ LẠM DỤNG TRONG THỜI THƠ ẤU
Các nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa lạm dụng thời thơ ấu và tâm thần phân liệt. Việc bị lạm dụng khi còn nhỏ (tình dục và thể chất) có liên quan đáng kể đến ảo giác, rối loạn suy nghĩ hoặc các triệu chứng âm tính. Những đối tượng có tần suất bị lạm dụng cao nhất khi còn nhỏ có khả năng mắc các triệu chứng tâm thần cao gấp 30 lần so với những người không bị lạm dụng (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
Trong một nghiên cứu với hơn 4000 đối tượng được rút ra từ dân số nói chung cho thấy những người bị lạm dụng khi còn nhỏ có khả năng phát triển các triệu chứng tâm thần phân liệt dương tính cao gấp 7,3 lần so với những người không bị lạm dụng. Nghiên cứu này cũng chứng minh những người đã trải qua mức độ lạm dụng cao hơn có các triệu chứng tâm thần nghiêm trọng hơn(California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020)
LẠM DỤNG CHẤT GÂY NGHIỆN
Một số nghiên cứu cho thấy rằng lạm dụng ma túy trên thực tế có thể liên quan nhân quả đến sự phát triển của tâm thần phân liệt sau này. Điều này đặc biệt có khả năng xảy ra đối với các chất dopaminergic như amphetamine, cocaine và cần sa. Cần sa được cho là làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển tâm thần phân liệt ở những người dễ bị tổn thương (là những người có yếu tố di truyền trong gia đình).
Liều lượng nặng hơn và tuổi sử dụng sớm có liên quan đến việc tăng nguy cơ. Các bác sĩ lâm sàng cho rằng sử dụng cần sa trước hoặc trong thời niên thiếu và thanh niên, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ khác và có tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần phân liệt thì sẽ có nguy cơ cao về bệnh (California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA) & Volkan, 2020).
MÔ HÌNH STRESS- DỄ TỔN THƯƠNG
Chắc chắn không có sự nghi ngờ nào về vai trò của các yếu tố sinh học trong việc hình thành tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, một người mang yếu tố di truyền thì việc có phát bệnh hay không còn tuỳ thuộc vào môi trường mà họ sống hàng ngày, hay những bất trắc mà cá nhân đó gặp phải sẽ kích hoạt bệnh, chẳng hạn như đứa trẻ có mẹ gặp vấn đề trong thai kỳ, stress trong thai kỳ thì đều tác động đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Môi trường thuận lợi có thể giảm nhẹ xác suất rủi ro bẩm sinh (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)
Điều này cũng giải thích cho việc những đứa trẻ có nguy cơ về gen nhưng được nuôi dạy trong môi trường lành mạnh, hạnh phúc thì không phát triển bệnh. Ngược lại, nếu họ sống trong môi trường tiêu cực, thì chỉ cần những căng thẳng nhẹ hoặc một số ít sự kiện gây căng thẳng cũng đã có thể kích hoạt tâm thần phân liệt. Từ đó có thể nói rằng tâm thần phân liệt chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền nhưng không được quyết định bởi di truyền và môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng (Phạm Toàn, 2023)
Mô hình stress- tính dễ tổn thương rất phù hợp để giải thích cho nguyên nhân hình thành tâm thần phân liệt. Mô hình này được hiểu là mỗi cá nhân đều sẵn có tính dễ tổn thương tiềm ẩn về bệnh tật, và những yếu tố về môi trường (tác nhân gây stress) sẽ kích hoạt tính dễ tổn thương này và gây ra rối loạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Beraki, S., Aronsson, F., Karlsson, H., Ögren, S. O., & Kristensson, K. (2005). Influenza A virus infection causes alterations in expression of synaptic regulatory genes combined with changes in cognitive and emotional behaviors in mice. Molecular Psychiatry, 10(3), 299–308. https://doi.org/10.1038/sj.mp.4001545
California State University Channel Islands (USA), Community Memorial Health System (USA), & Volkan, K. (2020). Schizophrenia: Epidemiology, Causes, Neurobiology, Pathophysiology, and Treatment. Journal of Health and Medical Sciences, 3(4). https://doi.org/10.31014/aior.1994.03.04.143
Haijma, S. V., Van Haren, N., Cahn, W., Koolschijn, P. C. M. P., Hulshoff Pol, H. E., & Kahn, R. S. (2013). Brain volumes in schizophrenia: A meta-analysis in over 18 000 subjects. Schizophrenia Bulletin, 39(5), 1129–1138. https://doi.org/10.1093/schbul/sbs118
PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Đ., Thu Hà, H., & Bahr Weiss. (2022). Tâm bệnh học. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
Phạm Toàn. (2023). Tâm bệnh học (5th ed.). NXB Trẻ.