Chẩn đoán và triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần phức tạp, biểu hiện qua nhiều triệu chứng đa dạng, làm thay đổi đáng kể cách người bệnh suy nghĩ, cảm nhận và tương tác với thế giới xung quanh. Những triệu chứng này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh mà còn tác động đến gia đình và cộng đồng xung quanh họ.

Các triệu chứng của tâm thần phân liệt chủ yếu là các triệu chứng dương tính, triệu chứng âm tính. Triệu chứng dương tính bao gồm các biểu hiện như ảo giác, hoang tưởng, hoặc tư duy hỗn loạn, trong đó người bệnh có thể thấy hoặc nghe những điều không có thật, hoặc tin vào những điều không phù hợp với thực tế. Ngược lại, triệu chứng âm tính thể hiện qua sự suy giảm hoặc mất đi các chức năng bình thường, chẳng hạn như giảm động lực, thiếu cảm xúc hoặc khó duy trì các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, các rối loạn nhận thức như khó tập trung, giảm khả năng lập kế hoạch hay ghi nhớ cũng thường xuất hiện, làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong học tập và công việc.

Nhận biết sớm các triệu chứng của tâm thần phân liệt có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết sẽ góp phần cải thiện chất lượng sống của người bệnh và giúp họ hòa nhập tốt hơn vào xã hội.

CÁC THỂ TÂM THẦN PHÂN LIỆT

  • Thể paranoid: quá bận tâm bởi 1 hoặc nhiều hoang tưởng bị hại hay ảo thanh. Lời nói và hành vi mất tổ chức, căng trương lực, cảm xúc cùn mòn hoặc không phù hợp (buồn thì cười, vui thì khóc) chiếm ưu thế
  • Thể mất tổ chức: lời nói và hành vi mất tổ chức, cảm xúc cùn mòn hoặc không phù hợp.
  • Thể căng trương lực: bất động hoặc hoạt động quá mức, và/ hoặc các hành động kì dị. Lặp lại lời nói của người khác, bắt chước vận động.
  • Thể không biệt định: triệu chứng không thuộc thể nào trong các thể đã nêu, có thể kết hợp triệu chứng của các thể.
  • Thể di chứng: trải qua ít nhất 1 giai đoạn TTPL nhưng hiện tại không có triệu chứng của toàn phát

(PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022; Phạm Toàn, 2023)

TRIỆU CHỨNG

CÁC TRIỆU CHỨNG DƯƠNG TÍNH

Triệu chứng dương tính trong tâm thần phân liệt là những biểu hiện bất thường, xuất hiện thêm do rối loạn chức năng não bộ. Những triệu chứng này thường phản ánh sự méo mó hoặc quá mức trong việc diễn giải thực tế và có liên quan đến sự hoạt động quá mức của các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là dopamine.

Hoang tưởng

Hoang tưởng là niềm tin cá nhân sai lầm vững chắc và ổn định, mặc dù có nhiều bằng chứng chống lại niềm tin đó hay mặc dù niềm tin đó là không logic. Hoang tưởng được xem là kì lạ nếu nó không đến từ kinh nghiệm sống hoặc bị người có cùng nền văn hoá cho rằng hoang đường và không tin nổi.

Lòng tin sai lạc này thể biểu hiện trong bất kì vấn đề gì. Chẳng hạn tin rằng mình bị 1 căn bệnh ngặt nghèo, tin rằng mình có tội lỗi trầm trọng, tin rằng một người nổi tiếng nào đó đang theo đuổi mình, tin rằng người khác đang điều khiển mình…

Người có hoang tưởng không phân biệt được giữa suy nghĩ của bản thân và thực tế bên ngoài. (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)

Các loại hoang tưởng thường gặp:

  • Hoang tưởng tự cao: tự cho rằng mình là người nổi tiếng hoặc có quyền lực, có sức mạnh, trí tuệ phi thường
  • Hoang tưởng bị hại/ đa nghi: có suy nghĩ và niềm tin vững chắc rằng mình bị người khác hãm hại, lừa, thậm chí là giết.
  • Hoang tưởng bị gài/ kiểm soát/ lấy đi: tin rằng người khác hoặc vật khác cố gắng kiểm soát họ. Chẳng hạn như bị người khác ăn cắp suy nghĩ, bị người khác cấy chíp vào đầu để đánh cắp suy nghĩ và kiểm soát hành vi.
  • Hoang tưởng cứu thế: nghĩ rằng mình được giao cho một quyền lực tối thượng đặc biệt nào đó, thường liên quan đến siêu nhiên, người ngoài trái đất. Họ nghĩ mình là người cứu thế giới.
  • Hoang tưởng được yêu: luôn nghĩ rằng có ai đó luôn yêu thương, quý trọng mình
  • Hoang tưởng ghen tuông: luôn hồ nghi sự chung thuỷ của đối phương, có lòng tin hay ý tưởng mù quáng và thiếu căn cứ về mối quan hệ
  • Hoang tưởng đau đớn: luôn ám ảnh là mình bị bệnh gì đó, cảm thấy mình đang bị đau đớn.
  • Hoang tưởng pha trộn: là sự pha trộn giữa các hoang tưởng nêu trên
  • Hoang tưởng không định rõ: những hoang tưởng tổng quát, không có nội dung hay yếu tố nào đặc biệt và nổi bật. (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022) (TS. Phạm Toàn, 2021)

Suy nghĩ và lời nói mất tổ chức: nếu hoang tưởng liên quan đến suy nghĩ thì sẽ nói bộc lộ ra bên ngoài để diễn đạt suy nghĩ đó. Câu cú sử dụng vẫn đúng ngữ pháp nhưng không có ý nghĩa. Sự không có ý nghĩa này không đến từ việc thiếu hiểu biết, thiểu năng hay khác biệt văn hoá. Những câu nói sẽ không có liên kết với nhau, chuyển chủ đề liên tục, trả lời các nội dung không liên quan câu hỏi. Ở những trường hợp nặng có thể xuất hiện các lời nói không thể hiểu được (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)

Ảo giác

Ảo giác là những cảm giác ở giác quan nhưng không phải là kết quả trực tiếp từ kích thích của môi trường nhưng những người có TTPL lại cảm thấy như thật (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)

Các ảo giác có liên quan đến giác quan của con người:

  • Thính giác: thường gọi là ảo thanh, phổ biến nhất, họ thường nghe thấy có tiếng nói trong đầu, xúi giục làm chuyện này chuyện kia hoặc mắng nhiếc họ…
  • Thị giác: thấy những điều mà người khác trong cùng hoàn cảnh môi trường không nhìn thấy. Chẳng hạn họ nhìn thấy 1 con cọp đang đứng ngoài cửa sổ nhìn mình, hoặc ảo giác về màu sắc.
  • Khứu giác: ngửi thấy những mùi mà thực tế không hiện hữu, người xung quanh không ngửi thấy
  • Vị giác: cảm thấy thức ăn có vị khác thường, hoặc không ăn gì nhưng cảm giác trong miệng có vị gì đó.

Những ảo giác này phải xuất hiện khi người bệnh đang thức và tỉnh, không trong trạng thái mê sảng, mộng mị, bị ảnh hưởng bởi thuốc men hay chất nghiện.(TS. Phạm Toàn, 2021)

Cần phân biệt với ảo tưởng. Ảo tưởng là 1 trạng thái sai lầm rất bình thường, thường xảy ra trong phút chốc và trong một số tình huống nhất định do sự giới hạn của các giác quan. Ví dụ: đi trên đường nắng nóng, nhìn thấy mặt đường phía trước như có vũng nước đọng (TS. Phạm Toàn, 2021)

Hành vi bất thường là những hành vi hỗn loạn, không chủ đích, không mục tiêu nhưng không phải giả vờ hay có mưu đồ gì (TS. Phạm Toàn, 2021)

Tâm vận động kỳ lạ hoặc căng trương lực

Tâm vận động kỳ lạ hoặc vận động thô mất tổ chức đặc trưng bởi mức độ hành vi rất cao, không có mục đích rõ ràng, lộn xộn hoặc hành vi không thể dự đoán trước, hoặc biểu cảm kỳ lạ, hoặc vận động với tư thế kỳ lạ (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022).

Người bệnh thường có điệu bộ và cử chỉ quá cứng nhắc, bất động hay đờ đẫn, đứng im như 1 pho tượng trong một thời gian dài, nhăn mặt, méo miệng, nhướn mắt, có tính rập khuôn (Phạm Toàn, 2023).

Triệu chứng căng trương lực có nhiều dạng:

  • Căng trương lực đờ đẫn: biểu hiện yên lặng rất lâu, không cử động, không phản ứng với kích thích bên ngoài.
  • Căng trương lực: cơ thể và dáng điệu cứng nhắc, bất động hàng giờ.
  • Căng trương lực: biểu hiện rập khuôn trên khuôn mặt, thiếu tự nhiên, kỳ lạ.

CÁC TRIỆU CHỨNG ÂM TÍNH

Các triệu chứng âm tính liên quan đến việc mất khả năng hoặc giảm khả năng để bắt đầu hành động hay lời nói, hành vi, cảm xúc. Các triệu chứng âm tính thường liên quan suy giảm chức năng trong các giai đoạn tâm thần phân liệt nhiều hơn các triệu chứng dương tính (PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)

Cùn mòn ý chí

Đặc trưng bởi sự thiếu hứng thú hay động cơ theo đuổi các mục tiêu có ý nghĩa. Những người này không có khả năng bắt đầu hành vi, ví dụ như cứ nằm ườn ra không dậy nổi để ăn uống hay vệ sinh cá nhân, tính thụ động cao.

Cùn mòn tư duy

Đặc trưng bởi việc thiếu lời nói có ý nghĩa, không bắt đầu nói hoặc lời nói tối thiểu

Cùn mòn tình cảm

Đặc trưng bởi ít hoặc không có cảm xúc được diễn tả bằng lời nói, biểu hiện trên khuôn mặt hoặc tư thế, ít phản ứng cảm xúc đối với các kích thích thông thường.

Có nghĩa là thường thấy khuôn mặt đờ đẫn, vô cảm. Mọi người có đùa giỡn cũng không phản ứng, có chuyện buồn xảy ra cũng không có cảm xúc…

Phi xã hội

Đặc trưng bởi sự không quan tâm, hứng thú đến các mối quan hệ xã hội

Mất hứng thú

Đặc trưng bởi sự giảm hoặc mất năng lực trải nghiệm sự thoải mái, vui vẻ từ các sự kiện tích cực

Ngoài các triệu chứng âm tính và dương tính, còn có các triệu chứng nhận thức kèm theo bao gồm sự tập trung và trí nhớ bị giảm sút hoặc suy yếu, rất khó khăn để xác định một kế hoạch hành động.(PGS.TS Đặng Hoàng Minh et al., 2022)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Đ., Thu Hà, H., & Bahr Weiss. (2022). Tâm bệnh học. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Phạm Toàn. (2023). Tâm bệnh học (5th ed.). NXB Trẻ.

TS. Phạm Toàn. (2021). Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5. NXB Trẻ. https://www.nxbtre.com.vn/sach/huong-dan-chan-doan-tam-ly-tam-than-theo-dsm-5-145993.html