Tâm thần phân liệt là gì

Hình dung chung về tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là chứng bệnh được biết đến rộng rãi nhất, và cũng là điển hình khi người ta nghĩ đến các rối loạn tâm lý, đến mức từ “bệnh tâm thần” đã trở nên đồng nghĩa với “tâm thần phân liệt” trong cách dùng thường ngày. Tuy nhiên, tâm thần phân liệt cũng là chứng bệnh gắn với nhiều hiểu lầm nhất, cùng nhiều phân biệt và kỳ thị, trong truyền thông, xã hội, nhưng cũng có khi trong chính gia đình và trong bản thân mình. Điều đó tạo nên nhiều rào cản cho việc tìm hiểu thông tin và có được các cách khám chữa bệnh hiệu quả.

Tâm thần phân liệt là một chứng bệnh nhiều mặt, nhiều nguyên nhân, và nhiều hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội. Xét từ góc độ y khoa, tâm thần phân liệt có thể coi là một chứng bệnh về não, với những tổn thương thực thể hoặc rối loạn cân bằng hóa chất trong não gây suy giảm chức năng ở nhiều khía cạnh. Xét từ góc độ tâm lý, tâm thần phân liệt có thể gắn với những ý nghĩ lệch lạc, tri giác sai thực tại, tâm trạng bất ổn. Xét từ góc độ xã hội, bệnh này gây ra đứt kết nối với bên ngoài trong đầu óc bệnh nhân và do đó đứt kết nối trong quan hệ xã hội, kể cả gia đình. Xét về mặt kinh tế, quản lý, bệnh là gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình và xã hội, đồng thời tiềm tàng những bất ổn về hành chính (bỏ nhà đi lang thang, khó khăn trong việc đăng ký các loại giấy tờ tuỳ thân, v.v…) Về tổng thể, bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, người nhà cũng như làm giảm vốn hạnh phúc chung trong cộng đồng.

Tuy nhiên, những tiến bộ khoa học và xã hội trong vài thập kỷ trở lại đây đã soi sáng thêm phần nào những bí ẩn của bệnh tâm thần phân liệt cùng các chứng liên quan, đưa đến nhiều thay đổi trong quan niệmđiều trị. Trên hết, nó chứng tỏ rằng tâm thần phân liệt có thể điều trị nếu phát hiện kịp thời, và có nhiều cách để giúp đỡ người bệnh và người nhà quản lý triệu chứng, hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tâm thần phân liệt là một nhóm bệnh

Tâm thần phân liệt là bệnh điển hình nhất trong một tập hợp các rối loạn có liên quan, thường gọi chung là phổ loạn thần và tâm thần phân liệt. Nói đến tâm thần phân liệt, người ta thường nghĩ đến các hình ảnh điển hình là người hoang tưởng hoặc ảo giác (ảo thanh, ảo thị). Đó là các triệu chứng dương tính của tâm thần phân liệt, nhưng ngoài ra người có tâm thần phân liệt còn có thể kèm theo các triệu chứng âm tính, nhận thức, cảm xúc, vận động. Sự kết hợp khác nhau các triệu chứng này dẫn đến việc mỗi người bệnh có thể có biểu hiện không hoàn toàn giống nhau.

Nếu chỉ có biểu hiện hoang tưởng (mang những niềm tin trái với thực tại) hoặc ảo giác (nghe thấy tiếng nói trong đầu, nhìn thấy những thứ không có thực) thì đó là tình trạng loạn thần. Đó có thể là biểu hiện của tâm thần phân liệt nếu có đi kèm các triệu chứng khác, nhưng cũng có thể chỉ là rối loạn loạn thần cấp, hoặc là cơn loạn thần nhất thời.

Cơn loạn thần nhất thời có mặt trong nhiều rối loạn tâm lý khác, hoặc do các nguyên nhân y tế và sinh lý khác. Rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn đều có thể có hiện tượng loạn thần. Quá liều chất kích thích hoặc một số chứng nhiễm trùng hoặc viêm não đều có thể dẫn đến biểu hiện này. Trong rất nhiều trường hợp, cơn loạn thần nhất thời sẽ qua đi nếu nguyên nhân gây ra nó không còn nữa, vì thế việc kịp thời xác định nguyên nhân và chữa trị là rất quan trọng.

Các triệu chứng loạn thần/dương tính hoặc âm tính giống như tâm thần phân liệt nhưng do những nguyên nhân y tế, sinh lý sẽ cần cách điều trị khác với bệnh tâm thần phân liệt. Do đó, việc xác định rõ nguyên nhân càng thêm quan trọng, nếu không sẽ dẫn đến điều trị không hiệu quả, kéo dài đau khổ cho bệnh nhân, và có thể làm ảnh hưởng nặng hơn. Muốn xác định nguyên nhân, chỉ có thể qua chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ chuyên khoa, thông qua thăm khám trực tiếp và kỹ lưỡng với bệnh nhân. Mọi thông tin tìm hiểu được, chẳng hạn như trên website này, chỉ nên coi là nguồn tham khảo, không thể dùng để chẩn đoán nếu không có chuyên môn.

Trong website này, chúng tôi dùng chữ “tâm thần phân liệt” để giới thiệu chung về đặc điểm của bệnh như là tiêu biểu cho cả nhóm, nhưng sẽ nói cụ thể về từng bệnh trong nhóm nếu có điểm gì khác.

Mức độ phổ biến và tiên lượng của bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt cùng các rối loạn trong phổ loạn thần-tâm thần phân liệt không phải là một rối loạn tâm lý quá phổ biến trên thế giới. Một số nguồn thông tin thường trích dẫn con số 1% dân số sẽ mắc phải một trong các rối loạn này trong đời.

Dĩ nhiên, kết quả thống kê còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: không phải người nào mắc bệnh cũng tự biết hoặc cũng tiết lộ về bệnh tình của mình với người nhà hoặc các bên khảo sát; rất nhiều người mang tâm thần phân liệt giai đoạn nặng trở thành vô gia cư và đứt kết nối xã hội; những người loạn thần thể hoang tưởng bị hại sẽ nghi kỵ và không chia sẻ thông tin của mình… Nhưng nhìn chung, bệnh tâm thần phân liệt ít phổ biến hơn các bệnh quen thuộc khác như rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ăn uống….

Ở Việt Nam, do hạn chế của các chương trình thống kê nên không có số liệu cập nhật và chính xác. Số liệu gần nhất chúng tôi tìm được là “một điều tra dịch tễ học 3 năm 2001-2003” cho thấy bệnh nhân TTPL chiếm 0.47% dân số.

Các bệnh thuộc nhóm này có mức độ phổ biến tương đương nhau ở cả nam và nữ. Nhìn chung, bệnh thường khởi phát ở tuổi dậy thì. Nam có thời gian phát bệnh sớm hơn nữ, với độ tuổi trung bình là 25 tuổi. Tuy nhiên, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi xuất hiện cơn loạn thần cấp, đây gọi là giai đoạn tiền triệu. Bệnh ít khi khởi phát ở tuổi trung niên mà không có dấu hiệu sớm, mặc dù các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy có một nhóm phụ nữ có thể phát bệnh lần đầu lúc trung tuổi, thường là quanh giai đoạn tiền mãn kinh.

Bệnh tâm thần phân liệt, nếu không được điều trị, thường là bệnh mãn tính kéo dài suốt cuộc đời. Kết quả tổng hợp của nhiều nghiên cứu cho thấy, ước chừng 1/3 người phát cơn loạn thần sẽ trở về như cũ mà không có diễn biến gì tiếp theo. 1/3 người sẽ duy trì tình trạng bình thường với những cơn phát bệnh xen kẽ và bị mất chức năng một phần. 1/3 người sẽ có biểu hiện bệnh tiến triển nặng dần và mất chức năng ngày càng nặng.

Nhìn chung, bệnh tâm thần phân liệt dù kém phổ biến nhưng đem lại hậu quả nặng nề hơn các bệnh khác. Viện y tế Mỹ cho biết người bệnh tâm thần phân liệt có tuổi thọ trung bình ngắn hơn 28 năm so với dân số bình thường. Tỷ lệ tự tử ở người bệnh TTPL chiếm 4,9%, nhưng ngoài ra người bệnh thường có nhiều vấn đề sức khỏe đi kèm như tiểu đường, tim mạch…, cũng như các rối loạn tâm lý khác, đặc biệt là trầm cảm. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh sẽ thay đổi nếu được điều trị, đặc biệt là điều trị sớm.

Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt

Mặc dù được biết đến từ rất sớm, nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt vẫn được coi là một điều bí hiểm và gây nhiều tranh cãi trong suốt chiều dài thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 21, với những tiến bộ của khoa học thần kinh, khoa học di truyền, tâm bệnh học, và các nghiên cứu tổng hợp với sự hợp tác toàn thế giới, người ta đã đi đến một số kết luận tạm thời được sự ủng hộ rộng rãi:

(1) Bệnh tâm thần phân liệt có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bệnh không được gây ra bởi một gen nào cụ thể, mà là bệnh đa gen, tức là nhiều gen với nhiều tác động khác nhau có thể dẫn đến việc một người cụ thể nào đó có nguy cơ mắc bệnh cao hay không.

(2) Bệnh tâm thần phân liệt cũng có yếu tố tâm lý. Không phải bất kỳ người nào mang bộ gen nguy cơ cao là chắc chắn sẽ mắc bệnh. Cũng không phải bất kỳ người nào trải qua một cú sốc tinh thần lớn (thất tình, trầm cảm, thất nghiệp…) hoặc sử dụng chất kích thích quá liều hoặc mang một bệnh y tế nào đó là sẽ mắc bệnh tâm thần (mặc dù có thể dẫn đến cơn loạn thần cấp). Cấu trúc di truyền của một người và những vấn đề tâm lý, thể chất người đó gặp phải tương tác với nhau một cách phức tạp để tạo ra nguy cơ chung của người đó. Đây là một mô hình được thừa nhận rộng rãi dưới cái tên là mô hình stress-tính dễ tổn thương.

(3) Nguy cơ mắc tâm thần phân liệt của một người có thể bị tăng nặng hơn bởi những yếu tố về môi trường sống, xã hội, trải nghiệm thời nhỏ, mối quan hệ… Tất cả những điều này cộng lại đã mở rộng quan điểm đa gen thành quan điểm đa tác động đối với mỗi người.

(4) Tuy nhiên, chính vì bệnh tâm thần phân liệt do rất nhiều yếu tố gây nên, nên cũng có rất nhiều con đường chúng ta có thể tác động vào để phòng ngừa phát bệnh, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, cũng như điều trị giảm nhẹ khi đã phát bệnh, hoặc thậm chí điều trị hoàn toàn khiến người bệnh có thể trở về sinh hoạt trong cuộc sống bình thường như khi chưa có bệnh. Hiểu biết về các cơ chế gây bệnh và phòng bệnh có thể giúp từng người trong chúng ta ý thức về nguy cơ cũng như hỗ trợ, phối hợp tốt hơn với cơ quan y tế nếu rơi vào hoàn cảnh này.

Bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không và chữa như thế nào?

Giống như ung thư, tâm thần phân liệt là một bệnh mà ta không bao giờ có thể nói là “chữa khỏi”. Ta chỉ có thể nhằm đến điều trị thuyên giảm (remission), là khi các triệu chứng của bệnh đã được loại bỏ. Tuy nhiên, cũng giống như ung thư, khi đó người (từng có) bệnh có thể sinh hoạt bình thường giống như trước khi có bệnh, với điều kiện thực hiện điều trị duy trì, theo dõi kỹ lưỡng, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc dấu hiệu tái phát. Và cũng giống như ung thư, phát hiện sớm và quản trị các yếu tố nguy cơ là cách tốt nhất để tăng hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa bệnh.

Hiện tại, hướng điều trị hiệu quả nhất với bệnh tâm thần phân liệt ở giai đoạn phát bệnh vẫn là điều trị bằng thuốc. Từ năm 2010 trở lại đây, các loại thuốc chống loạn thần thế hệ 2 ra đời đã đưa lại hiệu quả điều trị cao hơn so với thế hệ 1, ít tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, các chế độ điều trị thuốc cho người bệnh tâm thần phân liệt có thể kèm theo thuốc chống các rối loạn tâm lý mắc kèm khác như trầm cảm, lo âu, tùy vào thực tế bệnh ở mỗi người.

Điều trị tâm lý dành cho người tâm thần phân liệt cũng đã có những tiến bộ dài. Những người có biểu hiện hoang tưởng và/hoặc ảo giác có thể nhờ trị liệu nhận thức-hành vi dành riêng cho loạn thần (CBT-p) để quản trị triệu chứng. Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý cũng được huy động để góp phần giảm bớt các rối loạn tâm lý mắc kèm.

Ở mức cao nhất, điều trị người tâm thần phân liệt không chỉ nhằm đến việc quản lý triệu chứng mà còn giúp họ khôi phục lại các chức năng xã hội, tình cảm, có công việc, hòa nhập cộng đồng… Nhằm mục đích này, có các hình thức điều trị tâm lý xã hội, điều trị liên cá nhân, điều trị gia đình, điều trị cộng đồng.

Điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở cộng đồng và gia đình

Điều trị tâm thần phân liệt vào đầu thế kỷ 21 trên thế giới đã rất khác với hình ảnh những nhà thương điên tối tăm vào cuối thế kỷ 19 hoặc thậm chí nửa sau thế kỷ 20. Xu hướng hiện tại ở các nước phát triển là chuyển từ bệnh viện về gia đình, chuyển từ gia đình về với cộng đồng. Các hình thức sau này hướng tới không chỉ đặt trách nhiệm chữa trị vào cá nhân người bệnh, mà tìm cách giúp đỡ toàn bộ cộng đồng bao quanh người bệnh, đặc biệt là gia đình và người chăm sóc, nâng cao sức khỏe tinh thần, hòa hợp cảm xúc và tăng cường chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó đòi hỏi một lượng lớn thời gian, công sức để giáo dục, đào tạo cho người chăm sóc cũng như nhân viên y tế, và hẳn là sẽ còn những chặng đường dài phải qua.

Ở Việt Nam, nơi kiến thức chung còn hạn chế và nguồn lực xã hội cũng như gia đình còn rất hạn chế, việc được điều trị thấu đáo ở bệnh viện cũng còn là một ước mơ xa vời với nhiều bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân ở nước ta chỉ được chăm sóc trong gia đình, và chăm sóc thì đúng hơn là điều trị. Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, đặc biệt là những người ở thể hoang tưởng và ảo giác, có những đòi hỏi đặc thù không giống với chăm sóc người bệnh nan y khác. Chúng tôi hy vọng những chia sẻ trong website này có thể là gợi ý bước đầu cho những người nhà và người chăm sóc bệnh nhân, trên con đường trang bị thêm hiểu biết cho mình, cũng như cho bản thân người bệnh và người có nguy cơ mắc bệnh, để đỡ cảm thấy lẻ loi trong cuộc chiến đấu lâu dài này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

David Barlow et al. (2022). Psychopathology: An Integrative Approach to Mental Disorders.

Lieberman, J. A., Stroup, T. S., Perkins, D. O., Dixon, L. B., & American Psychiatric Association (ed). (2020). The American Psychiatric Association Publishing textbook of schizophrenia (Second edition).

Lynall, M.-E., Jones, P. B., & Stahl, S. M. (ed). (2024). Cambridge textbook of neuroscience for psychiatrists. Cambridge University Press.

Bài giảng “Tâm thần phân liệt và loạn thần“, Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, 10/12/2021.